Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn 3 bộ trưởng
Sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Các bộ trưởng trả lời việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.
Với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời về hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự kiến thông tin về điều chỉnh số lượng, cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; về quản lý hạn ngạch khai thác thủy sản.
Về lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ thông tin về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giải pháp thúc đẩy du lịch ban đêm, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gồm công tác điều hành giá xăng dầu; xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng; cân đối cung cầu xăng, dầu; nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng thông tin về công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh kiểm soát hoạt động thương mại điện tử; xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn, lậu thuế.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến hết buổi sáng 22/8. Nhóm lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tiếp theo đó là: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án và kiểm sát.
Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các phiên họp thông thường. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào, cá nhân đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
>>'Có bộ trưởng, trưởng ngành nói sao được chất vấn nhiều thế'
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải được bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 11/6, khai mạc Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội