‘Vạn lý trường thành điện mặt trời’ dài 133km, lượng điện đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của 'siêu đô thị' lớn hàng đầu Trung Quốc
Dự án "Vạn lý trường thành điện mặt trời" này dự kiến sẽ sản xuất được 180 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện mỗi năm.
Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ - một công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên - giờ đây đang viết nên một chương mới trong lịch sử của mình với một "bức tường" khác, không phải được xây từ đá mà từ những tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng trên sa mạc Kubuqi.
Tọa lạc tại khu tự trị Nội Mông, dọc theo rìa phía nam sông Hoàng Hà, dự án "Vạn lý trường thành điện mặt trời" này sẽ kéo dài 133km và rộng 25km, tạo thành một cánh đồng pin mặt trời khổng lồ nhằm biến đổi không gian hoang mạc thành nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ. Đến năm 2030, dự kiến khu vực này sẽ sản xuất được 180 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện mỗi năm - một lượng điện đủ để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng năm của Bắc Kinh, hiện ước tính ở mức 135,8 tỷ kWh. Bắc Kinh là Thủ đô của Trung Quốc và cũng là thành phố đông đúc hàng đầu đất nước này bên cạnh Trùng Khánh, Thượng Hải với dân số trên 20 triệu người.
Sự lớn mạnh của dự án này không chỉ đem lại nguồn điện sạch mà còn phục vụ cho mục đích cộng đồng, như quan chức ngành điện ở Dalad Banner, Li Kai, đã chỉ ra. Một đường dây truyền tải mới sẽ chuyển 48 tỷ kWh điện từ Kubuqi tới các khu vực lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc mỗi năm. Dự án này hoàn toàn được tài trợ bởi các công ty nhà nước và chính quyền địa phương và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 50,000 cơ hội việc làm.
Ngoài những lợi ích về năng lượng và việc làm, dự án này còn có ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Quá trình sa mạc hóa đang là một thách thức lớn cho lưu vực sông Hoàng Hà nhưng việc lắp đặt các tấm pin mặt trời sẽ giúp giảm bay hơi nước và cung cấp bóng râm, từ đó hỗ trợ cải tạo đất đai và ngăn chặn xói mòn. Hơn nữa, các khu vực dưới bóng của tấm pin còn được khai thác để trồng trọt, với kế hoạch phủ xanh khoảng 2,400 hecta đất để trồng các loại hoa màu.
Chính quyền địa phương cũng cam kết xây dựng một mô hình phát triển kinh tế bền vững song song với bảo tồn sinh thái, nhằm tạo dựng mối quan hệ cộng sinh giữa hoạt động sản xuất năng lượng và bảo vệ môi trường.
Khi thế giới ngày càng hướng tới việc giảm thiểu khí thải carbon, các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn như dự án điện mặt trời ở Kubuqi không chỉ góp phần vào nỗ lực chung mà còn mang lại hy vọng về một tương lai xanh cho hành tinh. Dự án này là minh chứng rõ ràng cho việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giải quyết các vấn đề môi trường, và đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch trên toàn cầu.
*Theo Popular Science