'Vàng xanh' trồng bạt ngàn ở Việt Nam, chỉ 1/6 quốc gia trồng được: Trung Quốc rất chuộng, chi gần 18 triệu USD để nhập về
Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong năm 2024. Một trong những thành tựu đáng chú ý là xuất khẩu đạt hơn 62 tỷ USD, tăng trưởng 3,2% so với năm trước. Trong đó, ngành chè tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 11/2024 đạt 12,65 nghìn tấn, với trị giá 22,69 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và 2,2% về trị giá so với tháng 11/2023.
Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 132,985 nghìn tấn, trị giá 234,685 triệu USD, tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 25,4% về lượng và 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè đạt 1.765 USD/tấn, tăng 1,3% so với năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Pakistan vẫn là đối tác lớn nhất của chè Việt Nam, chiếm tới 35,1% tổng lượng và 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chè. Trong 11 tháng, Pakistan đã nhập khẩu 46,6 nghìn tấn chè trị giá hơn 97 triệu USD. Đài Loan xếp thứ hai, chiếm 10,3% tổng khối lượng và 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu với 13,7 nghìn tấn trị giá 23,6 triệu USD.
Các thị trường xuất khẩu chè lớn nhất tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm |
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với lượng chè xuất khẩu đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, tăng 177% về lượng và 85,2% về kim ngạch so với năm trước. Tuy tỷ trọng chè xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 9,2% tổng lượng và 4,2% kim ngạch, nhưng giá xuất khẩu bình quân giảm 33,2%, chỉ đạt 1.420 USD/tấn. Mặc dù vậy, Việt Nam hiện là nhà cung cấp chè lớn nhất của Trung Quốc, với mức tăng nhập khẩu cao nhất lên tới 460%.
>> Anh nông dân nuôi loài lưỡng tính thân dài lại 'đẻ như máy', mỗi năm ‘đút túi’ 2 tỷ
Theo báo cáo từ Cục Trồng trọt, xuất khẩu chè của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và 10,9% về giá trị so với năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu chè từ các thị trường lớn đang phục hồi, tạo cơ hội lớn cho ngành chè Việt Nam.
Một đồi chè ở Thái Nguyên. Ảnh: Tổng hợp |
Với sản lượng xuất khẩu trung bình 126,8 nghìn tấn mỗi năm, chè Việt Nam đã xuất khẩu đến 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và xuất khẩu chè. Tổng diện tích trồng chè của cả nước hiện đạt khoảng 122.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái và Hà Giang.
Hiện, Việt Nam đang chế biến khoảng 15 loại chè, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Dự báo đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu chè sẽ đạt 136,5 nghìn tấn, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra.
Trên thế giới có khoảng 40 nước trồng chè, tương đương khoảng 15% khu vực trên thế giới. Cây chè được trồng chủ yếu ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, bởi vậy cây chè tập trung nhiều nhất ở châu Á với 8 quốc gia nằm trong top các nước sản xuất chè trên thế giới.
Nghệ An dồn lực 'gỡ vướng' cho khu công nghiệp VSIP 730ha
Về một tỉnh miền Bắc check-in đồi chè đẹp nhất Việt Nam được ví như ‘chốn bồng lai tiên cảnh’