Người con gái đẹp nhất nhì phố cổ xưa đã chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, bỏ bạn trai để kết hôn với tình cũ của chị gái.
Tuyệt sắc giai nhân đất phố cổ xưa
Trong số những mỹ nhân nổi tiếng đất Hà thành xưa không thể không nhắc đến Bạch Thược - người con gái xinh đẹp, dịu dàng cùng những nét đẹp riêng vốn có của người Tràng An. Bà Bạch Thược sinh năm 1935 trong một gia đình tiểu tư sản tại Hà Nội. Bố của bà là cụ Phạm Hữu Ninh, từng là tham tán phủ toàn quyền nhưng đi theo tiếng gọi của Cách mạng, cụ đã bỏ việc về mở trường tư và trở thành người sáng lập ra trường tư thục đầu tiên của người Việt mang tên Thăng Long.
Khi bà Bạch Thược cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình bà đều mong chờ một cậu con trai để nối dõi tông đường bởi trước đó gia đình bà đã có tới 3 cô con gái. Mặc dù vậy nhưng sự ra đời của Bạch Thược không hề khiến gia đình bà thất vọng bởi người con gái ấy sở hữu vẻ đẹp rạng rỡ ngay từ khi mới lọt lòng.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà được bố mẹ hết mực cưng chiều, không phải sống theo những khuôn phép cũ của thời đại bấy giờ. Bạch Thược cũng có những sở thích khác người như thích đánh bi, thích mặc quần áo con trai, không biết thêu thùa may vá hay giỏi nữ công gia chánh như những người con gái Hà Nội khác.
Lớn lên, bà Thược nổi tiếng khắp gần xa bởi sở hữu nhan sắc thuần khiến, lối sống thanh tao hệt như loài hoa được đặt tên - bạch thược. Thuở ấy, không biết có bao nhiêu chàng trai phải si mê, say đắm vẻ đẹp của người con gái ấy. Đặc biệt, bà còn có năng khiếu văn nghệ và thường xuyên tham gia diễn nhiều vở kịch của trường như Quán Thăng Long, Lý Chiêu Hoàng. Cũng nhờ vật mà tên tuổi và vẻ đẹp của bà càng có dịp được tỏa sáng.
Năm 21 tuổi, bà trở thành sinh viên của trường Đại học Y dược và được xếp hạng Hoa khôi của trường dược tại thời điểm bấy giờ. Được truyền cảm hứng yêu nước từ gia đình nên trong suốt quá trình học tập, bà đã tích cực tham gia phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội, cùng các bạn học tuyên truyền về cách mạng, in báo Nhựa sống, tổ chức bãi khóa...
Năm 1959, bà tốt nghiệp đại học. Trước khi được gửi đi tu nghiệp về Bào chế học tại Rumania, bà công tác tại trường Cán bộ Y tế Trung ương. Sự nghiệp của bà gắn liền với công việc nghiên cứu và bào chế thuốc men cho tới khi nghỉ hưu.
Giai thoại ‘tình chị duyên em’ đầy thú vị
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái và 2 trong số đó sở hữu nhan sắc rực rỡ, được coi là giai nhân của phố cổ. Bà Phạm Thị Ngọc Trâm - chị gái đầu của Bạch Thược cũng là một trong những nhan sắc nức tiếng lúc bấy giờ.
Bà Ngọc Trâm kết duyên cùng cháu đích tôn của quan thượng thư tỉnh Hà Đông. Người chị thứ hai của bà Bạch Thược - bà Kim Thoa kết hôn với một bác sỹ nổi tiếng rồi thoát ly theo gia đình chồng, để lại một tình yêu dang dở và sau này trở thành mối lương duyên của cuộc đời Bạch Thược.
Chồng của bà Bạch Thược là ông Vũ Sơn - người từng si mê chị gái Kim Thoa của bà nhưng không nhận được lời hồi đáp. Tin tức về người chị hai của bà kết hôn đã khiến Vũ Sơn vô cùng buồn chán nhưng do cha của Bạch Thược vô cùng quý mến chàng trai tài giỏi này nên đã động viên Vũ Sơn tham gia kháng chiến cùng lời hứa sẽ gả cô con gái út cho.
Cũng tại thời điểm đó, Bạch Thược đang trong mối quan hệ yêu đương sâu đậm với một bác sĩ quân y. Vì biết cha có một lời ước hẹn nặng nghĩa tình như vậy nên Bạch Thược chưa lúc nào thôi day dứt, tự vấn mình về đạo làm con. Cuối cùng, bà đã lựa chọn làm theo ý cha, chia tay với mối tình và tổ chức lễ cưới với Vũ Sơn sau khi ông trở về từ kháng chiến.
Lúc chia tay, người cũ đã từng viết cho bà một lá thư rất cảm động dù đã chấp nhận quyết định của bà. Giữ kín lá thư trong một thời gian dài, Bạch Thược quyết định tự tay đốt nó thành tro trong ngày diễn ra đám cưới của mình. Sau này, khi gặp lại người cũ trên đất Pháp, bà không khỏi chạnh lòng vì cuộc sống riêng của người đàn ông ấy không được như ý muốn. Bà nghĩ, bởi vì lỗi lầm của bà năm xưa đã khiến cho ông không được hạnh phúc trọn vẹn.
Tuy nhiên, bà hoàn toàn không ân hận về những quyết định năm xưa của bản thân. Kết hôn với ông Vũ Sơn, Bạch Thược đã có cuộc sống bình yên bên chồng con. Bà tiếp tục theo đuổi ngành dược, từng có cơ hội sang Bungari tu nghiệp và sau này cùng chồng bôn ba sang nhiều nước (chồng bà công tác trong ngành ngoại giao).