Về thăm vùng đất lịch sử được coi là ‘trái tim’ của chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi đặt Sở chỉ huy bí mật của quân đội ta trong 105 ngày đêm

22-04-2024 08:03|Thùy Dung

Hiện nay, đây được coi là một trong những địa chỉ đỏ của du lịch Điện Biên.

Mường Phăng - nơi đưa ra những mệnh lệnh lịch sử

Bảy mươi năm đã trôi qua, từ “Mường Phăng” là niềm tự hào trong tâm tưởng người Việt Nam. Trong suốt 105 ngày từ 31/1 đến 15/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với toàn bộ Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở và làm việc tại đây. Với sự tự tin của quân Pháp khi bắt đầu Chiến dịch cho đến khi bị đập tan cứ điểm được coi là “bất khả xâm phạm”- thì Mường Phăng là một điều “bí mật” không thể nào ngờ tới, để rồi, chiều ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng tung bay phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát.

Người chọn rừng Mường Phăng làm nơi đặt sở chỉ huy là Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau nhiều chuyến đi thị sát. Rừng Mường Phăng có nhiều lợi thế về địa hình lẫn điều kiện sinh hoạt. Rừng cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25-30km, cách sân bay Mường Thanh chỉ 10km. Nơi cao nhất là đỉnh Pú Đồn có độ cao 1.700m.

Khu rừng Mường Phăng lịch sử. Ảnh: TTXVN

Khu rừng Mường Phăng lịch sử. Ảnh: TTXVN

Đứng từ đây, dùng ống nhòm có thể quan sát được toàn bộ sân bay Mường Thanh, cùng 8 cụm cứ điểm gồm 40 cứ điểm của quân Pháp. Rừng có nguồn nước sạch dồi dào từ những con suối mát; tán cây rộng lớn, um tùm để đảm bảo bí mật cho sở chỉ huy. Và quan trọng nhất, xung quanh rừng có nhiều dân bản sinh sống. Không chỉ giúp che giấu, bảo vệ sở chỉ huy và ủng hộ lương thực, thuốc men cho mặt trận, họ còn là cánh tay nối dài của sở chỉ huy trong công tác thông tin liên lạc.

Trong suốt 105 ngày đêm ấy, thực dân Pháp không một lần phát hiện ra vị trí của Sở chỉ huy của ta, dù máy bay chiến đấu và trinh sát của chúng thường xuyên bay qua khu vực này. Về sau, nhiều tướng lĩnh Pháp đã phải công nhận rằng, họ không ngờ chúng ta lại chọn một khu vực gần chiến trường đến vậy để đặt sở chỉ huy.

Trong suốt 105 ngày đêm ấy, thực dân Pháp không một lần phát hiện ra vị trí của Sở chỉ huy của ta. Ảnh: TTXVN

Trong suốt 105 ngày đêm ấy, thực dân Pháp không một lần phát hiện ra vị trí của Sở chỉ huy của ta. Ảnh: TTXVN

Suốt chiến dịch, trên chiếc bàn tre đơn sơ của mình, Đại tướng luôn trải rộng một tấm bản đồ thể hiện hình thái chiến trường Điện Biên Phủ để nghiên cứu, phân tích. Bên cạnh là một máy điện thoại quay số tay cầm để Đại tướng liên lạc, cập nhật tình hình chiến trường trong từng giờ, từng phút.

Khi có máy bay địch, Đại tướng sẽ di chuyển xuống căn hầm xuyên núi ở bên cạnh lán. Được coi là công trình ấn tượng nhất tại khu di tích, căn hầm có chiều dài 69m, rộng từ 1-3m, cao 1,7m, được 50 người đào trong suốt 28 ngày đêm mới hoàn thành. Trong hầm còn có thêm 5 ngách nhỏ để đặt máy thông tin. Trong trường hợp có địch đột kích, người dưới hầm có thể ẩn náu trong ngách để tránh đạn và đánh trả hiệu quả.

Điểm sáng của du lịch Điện Biên

Nằm trong quần thể di tích “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”, di tích Mường Phăng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia”, ngày 28/4/1962. Từ ấy, khu di tích lịch sử Mường Phăng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của khách du lịch mỗi khi về thăm Điện Biên Phủ.

Mường Phăng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của khách du lịch mỗi khi về thăm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Mường Phăng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của khách du lịch mỗi khi về thăm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, khu di tích lịch sử Mường Phăng còn lưu giữ tổng cộng 12 lán trại, là nơi làm việc của những lãnh đạo cấp cao trong chiến dịch Điện Biên Phủ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh của chiến dịch, Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng của chiến dịch, Hoàng Đạo Thuý - Trưởng ban Thông tin của chiến dịch… Trong đó, lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 18m2, gồm một gian lớn là nơi sinh hoạt, làm việc và một gian nhỏ là nơi sinh hoạt của đồng chí cần vụ người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng.

Những ngày gần kề dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày di tích đón hàng trăm lượt khách. Dưới tán rừng Mường Phăng, những đoàn người cứ thế nối nhau men theo con đường mòn lát đá, tiến sâu vào khu rừng huyền thoại.

Những ngày gần kề dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày di tích đón hàng trăm lượt khách. Ảnh: TTXVN

Những ngày gần kề dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày di tích đón hàng trăm lượt khách. Ảnh: TTXVN

Những mái nhà tranh vách nứa, những chiếc bàn tre, chõng tre dù hầu hết đều được phục dựng từ nguyên bản, nhưng khi nhìn vào những vết xước, vết ố, vết mục được tạo nên một cách tỉ mỉ và chi tiết, người ta vẫn cảm nhận được nét đơn sơ, giản dị trong sinh hoạt của những vị lãnh đạo lừng lẫy. Căn hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù được tu sửa, tôn tạo nhiều hạng mục, nhưng khi bước vào hầm, người ta vẫn phải lặng đi trước dòng chảy của lịch sử.

Công tác bảo vệ rừng tại khu di tích cũng rất được chú trọng. Ảnh: TTXVN

Công tác bảo vệ rừng tại khu di tích cũng rất được chú trọng. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng tại khu di tích cũng rất được chú trọng. Những tổ bảo vệ rừng, tổ bảo vệ di tích, lực lượng kiểm lâm và người dân Mường Phăng luôn chung tay gìn giữ, phát triển để cánh rừng nơi đây luôn giữ được một màu xanh tốt. Trong thâm tâm của những người dân nơi đây luôn nhớ rõ lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông về thăm Mường Phăng lần 2 vào năm 2004: “Phải giữ vững cánh rừng Mường Phăng, đừng đốt rừng, chặt rừng, phải trồng thêm cây vào đó, bà con nhớ không?”.

>> Ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi được xây dựng từ thời vua Lý Công Uẩn, từng là căn cứ địa trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược

Vùng đất được Bác Hồ chọn là nơi phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Độc lạ vùng đất có mùi trứng thối, khách phải bịt kín mũi khi ghé thăm nhưng cả thế giới muốn ‘đổ xô’ đến, người dân vẫn khỏe mạnh ‘phi thường’

Cuộc sống tại vùng đất được coi là ‘nơi tận cùng của Trái đất’: Cách Nam Cực chỉ 1.000km, nhiệt độ xuống đến -20 độ C nhưng vẫn hút khách du lịch

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ve-tham-vung-dat-lich-su-duoc-coi-la-trai-tim-cua-chien-dich-dien-bien-phu--noi-dat-so-chi-huy-bi-mat-cua-quan-doi-ta-trong-105-ngay-dem-d121002.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Về thăm vùng đất lịch sử được coi là ‘trái tim’ của chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi đặt Sở chỉ huy bí mật của quân đội ta trong 105 ngày đêm
POWERED BY ONECMS & INTECH