Trong suốt 10 năm, cô gái chỉ cao 1m55, nặng 52kg nhưng làm chủ cỗ máy mà chỉ riêng cái răng gầu của nó đã nặng tới 108kg.
Ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh rằng để xây dựng Xã hội chủ nghĩa, việc "điện khí hóa" phải được ưu tiên. Từ những năm 1958 đến 1963, Chính phủ đã giao cho Bộ Thủy lợi nhiệm vụ nghiên cứu địa chất trên toàn bộ lưu vực sông Đà và Hòa Bình - điểm đặt chân của dự án thủy điện trên con sông hùng vĩ này.
Từ cuối năm 1979, theo nguyện vọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng và giao cho đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ chốt tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Năm 1982, theo đề xuất của Trung ương Đoàn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là Công trường Thanh niên Cộng sản.
Trên công trường có quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, mọi người không ngại khó khăn, gian khổ, họ hăng say lao động tới ba ca, bốn kíp. Môi trường làm việc trên công trường rất khắc nghiệt, chỉ một sơ suất, lơ là nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn, nhưng cũng chính tại đây, nhiều cán bộ đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành trong khó khăn, trong đó có nữ Anh hùng Lê Thị Ngừng.
Người phụ nữ duy nhất còn trụ lại, 1 tháng sụt 10kg
Bà Lê Thị Ngừng sinh năm 1954 trong một gia đình thuần nông đông con ở vùng quê ngoại ô Thanh Oai, Hà Nội. Ở thời kỳ đó, ngoài phong trào ba sẵn sàng kêu gọi nhập ngũ cứu nước, phong trào kêu gọi thanh niên tham gia xây dựng các công trình cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn.
Bà Lê Thị Ngừng chỉ được học hết lớp 7 và ở nhà quanh quẩn trồng rau nuôi gà. Mãi đến năm 22 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên khi đó, cô thanh niên Lê Thị Ngừng nộp đơn xin tham gia xây dựng dự án Thủy điện Hòa Bình và may mắn được chọn.
“Lên công trường rất đông người, vui chưa từng thấy, máy móc, xe cộ nhiều lắm. Nhưng khi đó toàn máy mới không có gì để sửa, thế nên thời gian đó anh em làm đủ thứ nghề từ thợ xây, bạt mái taluy, đào móng ống dẫn nước,… việc gì cũng làm, cứ phân việc gì thì làm việc ấy” - bà Ngừng nói với Báo Lao Động.
Sau một thời gian, công trường quyết định đào tạo một số nữ giới để lái máy xúc lớn, bà Ngừng được chọn tham gia khóa học cùng với khoảng hơn 20 chị em khác. Ban đầu, họ được cho lên thử để kiểm tra khả năng chịu đựng tiếng ồn và tiếng gầm rú của máy. Chiếc máy xúc EKG “to như cái nhà” khiến tất cả chị em dù chỉ lên ngồi chưa phải làm gì nhưng đều ốm hết. Bà Lê Thị Ngừng khi đó chưa từng trải qua cảm giác say tàu, máy bay, nhưng khi lên máy xúc, bà cũng chóng mặt, người lả đi. “Chỉ trong vòng 1 tháng, tôi từ 62kg giảm xuống còn 52kg. Tháng đó chị em cũng bỏ dần, cuối cùng chỉ còn tôi và một chị tên Lê Thị Hiên quê Nghệ An. Chị Hiên đã học ở Nga nên biết tiếng, còn tôi thì chưa học ở đâu, không biết tiếng nước ngoài nên rất hạn chế. Ngày ấy các anh ở công trường hy vọng vào chị Hiên chứ không hy vọng ở tôi, nhưng được ít ngày thì chị Hiên cũng không thể theo được, người cứ gầy rộc đi. Mình rất là may, con người chân đất mà, suốt ngày làm ruộng ở quê cho nên cũng khoẻ hơn, chắc thế” - bà Ngừng chia sẻ.
Dưới sự động viên của mọi người khi ấy, bà Ngừng cứ cố gắng dù chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào. Trong khi thợ lái ngồi phía trước, bà Ngừng ngồi ở ghế phụ, quan sát cách họ lái để học theo. Với 36 động cơ lớn nhỏ trên chiếc máy xúc, bà Ngừng gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ tất cả các thao tác. Trong những thời điểm khó khăn, bà đã tự tạo ra các tín hiệu riêng để giúp mình nhớ.
Sau giai đoạn khó khăn ban đầu, bà Ngừng dần quen với nhịp độ trên công trường và trở thành một trong những lái chính hàng đầu trong đội lái, gồm khoảng 500 người và chỉ có một mình bà là nữ. Trung bình, mỗi lái chính phải làm việc 6 tiếng mỗi ngày (tính bằng một ca), nhưng "lái Ngừng" luôn phải đảm nhận khoảng hơn 40 ca mỗi tháng vì phải thay thế đồng nghiệp khi họ nghỉ ốm.
Một lần, khi một chuyên gia từ Liên Xô đến thăm Công ty Sông Đà và chứng kiến Lê Thị Ngừng lái máy xúc đã nhận xét rằng với trình độ của bà ở Liên Xô, bà đã được xếp hạng là thợ bậc 4/7 chứ không phải là 2/7. Sau đó, trong một cuộc thi nâng ngạch, "lái Ngừng" đã đạt được trình độ 4/7 đúng như lời chuyên gia.
Người phụ nữ bé nhỏ chỉ cao 1m55, nặng 52kg, trong suốt hơn 10 năm đã vững vàng làm chủ cỗ máy mà chỉ riêng cái răng gầu của nó đã nặng 108kg (một lần xúc được 5 khối), bánh xích 104kg và phải vận hành bằng loại điện 6 ki-lô-vôn.
Anh hùng Lao động luôn hết mình với công việc
Là nữ lái máy xúc duy nhất trong đội hơn 500 đồng nghiệp, bà Ngừng nhận được sự chú ý đặc biệt và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận làm con nuôi. Cũng vào thời điểm đó, anh thanh niên Lê Viết Phụng, là một cán bộ tổ chức của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), khi tới làm việc tại Sông Đà cũng bị cô gái này thu hút.
Ông Lê Viết Phụng kể: “Tôi từng làm giảng viên trường GTVT, có nghiên cứu về máy EKG - biệt danh là “ông khổng lồ” và biết rằng độ rung và độ ồn của nó đều ở mức người thường khó mà thích nghi nổi. Đầu tiên thấy Ngừng làm chủ được nó thì phục, một cô gái bé nhỏ ngồi lọt thỏm trong cabin thao tác tay nhoay nhoáy nhìn sao cũng thấy “ngầu”. Sau tình cờ hai nhà lại gần nhau, thế là đặt vấn đề tìm hiểu rồi cưới”.
Sau đám cưới vào năm 1988, khi bà Ngừng mang thai, bà buộc phải tạm ngừng lái máy xúc (lúc này bà đã đạt trình độ thợ bậc 6/7). Tuy nhiên, hậu quả của những ngày lao động căng thẳng vẫn còn. Các cơ bụng của bà luôn căng chặt, khiến thai nhi không thể phát triển. Do đó, suốt chín tháng, mỗi ngày bà đều được chồng đưa đến bệnh viện để bác sĩ tiêm thuốc giãn cơ, cho đến khi mẹ và con đều khỏe mạnh.
Luôn hết mình với công việc, vào tháng 5/1984, bà Ngừng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lễ kết nạp Đảng đã diễn ra tại công trường mà bà đã dành nhiều tâm huyết. Nhận được sự khích lệ, bà Ngừng càng nỗ lực hơn, cống hiến nhiều hơn cho công việc. Ghi nhận những cố gắng đó, Hội đồng Nhà nước đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ngừng vào năm 1985.
Sau khi rời sông Đà về Hà Nội làm công việc hành chính, vào buổi tối, bà Ngừng thường nhờ mẹ chồng trông con để có thể đi học thêm ngành Luật, nhằm phục vụ cho công việc của mình.
Hiện nay, đã ở tuổi 70, bà Ngừng và chồng vẫn thường nói đùa: "Tôi dùng máy xúc, xúc ông về làm chồng". Bà hiện đang sinh sống tại một căn nhà ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mặc dù đã cao tuổi, nhưng tiếng nói của bà vẫn hăng say, tràn đầy nhiệt huyết, đặc biệt khi được nói về những kỷ niệm không thể nào quên được trên công trường.