Vị tướng Việt Nam mang hàm Đại sứ: Một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội, từng lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh làm nên 'Phú Riềng đỏ' lịch sử

06-05-2024 16:32|Quỳnh Như

Trong số 11 cán bộ được phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (tháng 1/1948), ông có một tiểu sử khá đặc biệt.

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907 tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên Chúa, từ con chiên được giác ngộ cách mạng, ông trở thành một trong những Đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 10/1929) tại Chi bộ Phú Riềng.

Làm nên "Phú Riềng đỏ" lịch sử

Theo ý nguyện của cha mẹ, khi đủ tuổi, Phạm Văn Phu đi học trường dòng, nhưng rồi tinh thần yêu nước đã sớm thức dậy ở chàng trai trẻ tuổi. Cuối năm 1926, ông bị đuổi học vì vận động giáo sinh ở chủng viện Hoàng Nguyên (Giáo phận Hà Đông) để tang chí sĩ Phan Chu Trinh. Năm 1927, anh được giác ngộ cách mạng, chỉ hướng “vô sản hóa”, nên đã ký hợp đồng làm phu đồn điền cao su Phú Riềng.

Thiếu tướng Trần Tử Bình ở Chiến khu Việt Bắc (1949). Ảnh: Báo Tiền Phong

Thiếu tướng Trần Tử Bình ở Chiến khu Việt Bắc (1949). Ảnh: Báo Tiền Phong

Tại đây, Ngô Gia Tự đã đem đến cho ông luồng tư tưởng mới và kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chỉ ít lâu sau, tháng 10/1929, Trần Tử Bình trở thành Đảng viên Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đồn điền Phú Riềng. Vào Đảng chưa lâu, cuối năm này ông đã được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Tên tuổi Trần Tử Bình từ đây được ghi vào lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng. Đầu năm 1930, Chi bộ đồn điền Phú Riềng do ông đứng đầu đã lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh với chủ, đòi quyền sống, làm nên một “Phú Riềng đỏ” tiếng vang, sức lan tỏa rộng lớn. Kẻ thù căm tức, săn lùng người Bí thư cộng sản. Ông bị địch bắt, kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Cuộc đấu tranh lan rộng sang một số khu vực, nhà máy khác; thu được những kết quả đầy ý nghĩa. Dù sau đó, cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng bị đàn áp, song cuộc tập dượt lớn đầu tiên đã giúp họ ý thức được vai trò lịch sử của mình. “Phú Riềng đỏ” trở thành một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Vị tướng quân mang hàm Đại sứ

Sau những thăng trầm cùng phong trào cách mạng, Phạm Văn Phu đổi tên thành Trần Tử Bình – với ý nghĩa một cuộc đời phong trần, lãng tử, suốt đời đấu tranh cho độc lập và hòa bình của Tổ quốc.

Tháng 3/1945, Trần Tử Bình vượt ngục Hỏa Lò, rồi được cử vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Vào thời khắc “một ngày bằng hai mươi năm” của những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử, Trần Tử Bình là một cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Tử Bình được cử vào quân đội. Thu đông 1947, ông chỉ huy mặt trận Đường số 2 – Sông Lô, đập tan một trong hai gọng kìm của quân Pháp tiến quân lên Việt Bắc hòng bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến.

Vợ chồng Thiếu tướng Trần Tử Bình. Ảnh tư liệu

Vợ chồng Thiếu tướng Trần Tử Bình. Ảnh tư liệu

Với những thành tích và chiến công lập được, ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 112/SL phong hàm Thiếu tướng cho đồng chí Trần Tử Bình; ông trở thành 1 trong số 11 vị tướng đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1959, cách mạng nước ta đứng trước những thời cơ mới. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước anh em, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định điều động một số cán bộ quân đội có nhiều kinh nghiệm hoạt động sang ngành ngoại giao. Thiếu tướng Trần Tử Bình được cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc và tại Mông Cổ.

Vào những năm 1960, Đại sứ Trần Tử Bình đã góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc với cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

Trong 8 năm công tác tại Bắc Kinh, ông đã góp phần tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa Việt - Trung, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ. Trong lần về nước họp, mồng 3 Tết năm Đinh Mùi (11/2/1967), ông bị cảm rồi đột ngột từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng chí, bạn bè... Trong đám tang của ông, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đoàn thể trong và ngoài nước đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình...

Thủ tướng Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi đó - ông Chu Ân Lai trong điện chia buồn đã viết: “Đồng chí Trần Tử Bình đã hoạt động không mệt mỏi và có những cống hiến quan trọng trong việc tăng cường mối tình hữu nghị chiến đấu anh em giữa nhân dân hai nước Trung - Việt”.

Công lao to lớn của ông Trần Tử Bình đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận, đánh giá cao. Năm 1960, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III. Năm 1957, ông nhận Huân chương Quân công hạng Ba.

Ngay sau khi ông từ trần, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất (1967), tiếp theo là Huân chương Sao vàng (2008) - danh hiệu cao quý nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các đường, phố mang tên Trần Tử Bình đã được đặt ở thủ đô Hà Nội, TP. HCM, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) và ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tôn kính xây dựng Khu tưởng niệm bậc tiền bối cách mạng - Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà ngoại giao Trần Tử Bình.

Ngày 5/5/2007, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông diễn ra trọng thể tại Khu tưởng niệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cùng con cháu Thiếu tướng Trần Tử Bình, cử phu nhân Đặng Bích Hà về dự.

Trong thư Đại tướng đã viết những dòng trân trọng: “Thiếu tướng Trần Tử Bình - người bạn thân thiết của tôi... Anh là một trong chín cán bộ cao cấp được Hồ Chủ tịch ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng lớp đầu tiên, rồi cùng công tác với tôi trong Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh… Trên cương vị nào, anh cũng đều hoàn thành nhiệm vụ… Thật tiếc, anh ra đi quá sớm”.

Tham khảo:

- Tướng quân Trần Tử Bình - Báo CAND

- Trần Tử Bình - Vị tướng đầu tiên của Hà Nam - Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam

- Anh Trần Tử Bình - Một tấm gương sáng - Báo Tiền Phong

- Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình - người làm nên "Phú Riềng đỏ" lịch sử - Cổng TTĐT huyện Phú Riềng

>> Vị Trung tướng, Anh hùng LLVTND làm nên 'cú lừa' ngoạn mục trong Chiến dịch Tây Nguyên, 92 tuổi được công nhận là Công dân Thủ đô ưu tú

Vị tướng thương binh được mệnh danh là 'hổ cụt': Bộ não tham mưu góp phần làm nên Đại thắng năm 1975, 17 lần bị thương, vào sinh ra tử trên nhiều mặt trận

Vị tướng quân đội đặc biệt nhất: Từ anh Binh nhì đến Thượng tướng ở tuổi 40, được tuyên dương là Anh hùng LLVT Nhân dân khi mới 26 tuổi, từng tham gia 67 trận quyết tử

Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-viet-nam-mang-ham-dai-su-mot-trong-nhung-vi-tuong-dau-tien-cua-quan-doi-tung-lanh-dao-5000-cong-nhan-dau-tranh-lam-nen-phu-rieng-do-lich-su-d121984.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị tướng Việt Nam mang hàm Đại sứ: Một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội, từng lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh làm nên 'Phú Riềng đỏ' lịch sử
POWERED BY ONECMS & INTECH