Vị chỉ huy du kích huyền thoại của Việt Nam là người lãnh đạo trận đánh sân bay lớn nhất trong 9 năm chống Pháp trên toàn Đông Dương, phá huỷ 59 máy bay địch

12-03-2024 10:20|Nhật Linh

Ông là một trong những "vị tướng du kích" lừng danh, trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngày 7/3/1954, có một trận đánh du kích sau này được coi như một huyền thoại và đi vào giáo trình quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, là cuộc tập kích sân bay Cát Bi (Hải Phòng), phá hủy 59 máy bay Pháp.

Lực lượng tham chiến của ta khi đó chỉ với 32 cán bộ, chiến sĩ du kích. Phía địch có tới 3.000 binh lính và sĩ quan, với 78 đồn bốt, tháp canh ở vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng nghìn bóng đèn điện, cùng hàng chục đèn pha khiến sân bay đêm cũng sáng như ban ngày.

Quanh sân bay Cát Bi, cứ 15 phút lại có 1 trung đội lính Âu - Phi cùng chó nghiệp vụ tuần tra bằng phương tiện cơ giới. Quân đội Pháp còn dựng một “vành đai trắng” xung quanh sân bay. Hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn phía bên kia sông Lạch Tray cũng là lực lượng bảo vệ đắc lực cho sân bay Cát Bi từ xa,…

Máy bay Pháp trong sân bay Cát Bi trước khi bị tập kích

Máy bay Pháp trong sân bay Cát Bi trước khi bị tập kích

Tuy nhiên, sự bảo vệ cẩn mật của quân Pháp vẫn thất bại trước tài thao lược của các chiến sĩ du kích. Kế hoạch tấn công sân bay Cát Bi được giữ bí mật tuyệt đối. Kết quả là sau khi 32 chiến sĩ du kích của Tỉnh đội Kiến An khai hỏa, sân bay Cát Bi đã biến thành một biển lửa suốt 17 giờ.

Trận đánh đã góp phần quan trọng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn sau đó vài ngày (13/3/1954). Do đã tổn thất nặng nề về phương tiện, không quân Pháp không còn đủ mạnh để hỗ trợ cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân giúp chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra thắng lợi trong 56 ngày đêm.

Gắn với chiến công ấy là cố Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An (Hải Phòng) Đặng Kinh. Ông cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Đây cũng được xem là trận đánh sân bay lớn nhất và giành thắng lợi lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

Gắn với chiến công ấy là cố Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An (Hải Phòng) Đặng Kinh

Gắn với chiến công ấy là cố Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An (Hải Phòng) Đặng Kinh

Trung tướng Đặng Kinh, tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1921, mất năm 2019. Ông sinh ra tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An), TP. Hải Phòng, trong một gia đình nông dân nghèo. Ông được đồng chí Tô Hiệu lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng dìu dắt, định hướng, từ một người công nhân mỏ đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An.

Trung tướng Đặng Kinh, tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1921, mất năm 2019

Trung tướng Đặng Kinh, tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1921, mất năm 2019

Ông là một trong những "vị tướng du kích" lừng danh ở vùng Hải Phòng, Bắc Bộ, trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lập được nhiều chiến công vang dội.

Gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Trung tướng Đặng Kinh trong một dịp hội ngộ

Gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Trung tướng Đặng Kinh trong một dịp hội ngộ

Từ tháng 1/1955, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó tham mưu trưởng, Phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328. Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu; Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Tháng 4/1966, ông vào chiến trường làm Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Tháng 4/1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

Đến thời bình, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng; Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và sau đó nghỉ hưu năm 1988.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với cố Trung tướng Đặng Kinh cho đại diện gia đình

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với cố Trung tướng Đặng Kinh cho đại diện gia đình

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình chiến đấu và công tác, ông vinh dự được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1982, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ngày 17/10/2023, ông được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

>> Ly kỳ chuyện đời Đại tá tình báo có 1-0-2 Việt Nam: Là huyền thoại trong lịch sử quân sự, sĩ quan cao cấp trong Quân lực của địch

Vị tướng trí dũng song toàn của Việt Nam được mệnh danh là 'hổ tướng', được ông Hoàng Nam Tiến tôn kính tuyệt đối

Vị tướng quân tài ba được ví là 'Hậu Nghệ phiên bản Việt’: xuất thân giàu có, nhìn người chọn ngựa, có tài bắn cung 'trăm phát trăm trúng'

Vị tướng xuất thân nông dân được đích thân Bác Hồ đặt tên: Nhận phong hàm Đại tướng khi mới 45 tuổi, con trai cũng là Thượng tướng lỗi lạc

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-chi-huy-du-kich-huyen-thoai-cua-viet-nam-la-nguoi-lanh-dao-tran-danh-san-bay-lon-nhat-trong-9-nam-chong-phap-tren-toan-dong-duong-pha-huy-59-may-bay-dich-d117761.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị chỉ huy du kích huyền thoại của Việt Nam là người lãnh đạo trận đánh sân bay lớn nhất trong 9 năm chống Pháp trên toàn Đông Dương, phá huỷ 59 máy bay địch
POWERED BY ONECMS & INTECH