Vì sao cần chỉ định thầu cho các dự án đường sắt đặc biệt?
So với hình thức đầu thầu thông thường, nếu chỉ định thầu đối với các dự án đường sắt như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hay đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TPHCM sẽ giúp rút ngắn thời gian, hạn chế tình huống phát sinh và thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ sau này.
Tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, một dự án đường sắt thường trải qua rất nhiều giai đoạn, từ lập dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, bên cạnh đó cần tiến hành giải phóng mặt bằng, rừng, đất, các công trình trên tuyến, bố trí tái định cư.
Từ thực tiễn triển khai các dự án đường sắt, có thể thấy riêng công tác phê duyệt chủ trương đầu tư đã "ngốn" khá nhiều thời gian, từ 3-5 tháng, hay có dự án kéo dài đến 5 năm. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ Chính trị thì tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần hoàn thành năm 2030, và cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP. Hà Nội và TPHCM vào năm 2035.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn nhiều phần việc liên quan thì các dự án đường sắt không thể hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, cần các chính sách về chỉ định thầu - nằm trong đề án đã được Bộ Chính trị thông qua.
![]() |
Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn nhiều phần việc liên quan thì các dự án đường sắt không thể hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Bộ trưởng Trần Hồng Minh lý giải, so với việc đầu thầu thông thường, nếu sử dụng hình thức chỉ định thầu, các dự án sẽ rút ngắn được 4 - 6 tháng cho mỗi công đoạn lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Nhờ đó, tiến độ dự án có thể rút ngắn được từ 18 - 25 tháng.
Việc chỉ định thầu cũng giúp hạn chế các tình huống phát sinh ảnh hưởng tới tiến độ dự án như hình thức đấu thầu thông thường. Minh chứng là thời gian qua, các gói thầu ở nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đấu thầu lại, làm mất nhiều thời gian.
Trên thực tế, thời gian qua cũng có không ít công trình giao thông đã được Quốc hội cho phép chỉ định thầu với yêu cầu tiết kiệm, giảm tiết kiệm 5% dự toán đã phát huy hiệu quả. Trong khi đó, việc đấu thầu thông thường giảm so với dự toán không đáng kể, chỉ từ 0,1 - 1,5%.
![]() |
Việc chỉ định thầu các dự án đường sắt trọng điểm giúp hạn chế tình huống phát sinh ảnh hưởng tới tiến độ dự án như hình thức đấu thầu thông thường. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Về cơ sở pháp luật, chỉ định thầu từ lâu đã được pháp luật nêu rõ là một hình thức lựa chọn nhà thầu, với những quy định định rất chặt chẽ về các bước đánh giá năng lực và kinh nghiệm nhà thầu. Đồng thời, những sai phạm chủ yếu xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện chứ không phải do chủ trương quyết định lựa chọn hình thức chỉ định thầu.
Mặt khác, tư lệnh ngành giao thông cho rằng các dự án đường sắt đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp đường sắt, nên việc chỉ định thầu có thuận lợi. Bởi vì nếu như đấu thầu thông thường, thì việc Việt Nam yêu cầu nhà thầu nước ngoài chuyển giao các công nghệ cho đối tác Việt Nam sau này rất khó khăn và phức tạp.
Theo tính toán của Bộ GTVT, đối với các dự án nếu có cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương sẽ rút ngắn được trình tự phê duyệt, giúp tiến độ dự án được đẩy nhanh. Đồng thời đảm bảo được tính chủ động của dự án, theo đúng nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.
>>Hải Phòng muốn góp gần 11.000 tỷ đồng cho dự án đường sắt quy mô hơn 8 tỷ USD
Hải Phòng muốn góp gần 11.000 tỷ đồng cho dự án đường sắt quy mô hơn 8 tỷ USD
Đề xuất miễn, giảm trách nhiệm cho cán bộ làm dự án đường sắt hơn 200 nghìn tỷ