Đề xuất 4.000 tỷ hồi sinh dự án đường sắt 'đắp chiếu' hơn 10 năm
Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Chính phủ phương án đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vốn bị đình hoãn hơn 10 năm gây lãng phí nguồn lực xã hội, theo hướng đề xuất bổ sung 4.000 tỷ đồng để hồi sinh dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khởi công vào tháng 6/2005. Dự án có chiều dài 131km, điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối ở cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1 m) với ray hàn liền, có hệ thống thông tín hiệu hiện đại và những nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để tàu khách chạy với tốc độ 120 km/giờ, tàu hàng 80 km/giờ. Nếu tuyến đường được hoàn thành, hành trình tàu khách từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5-2 giờ; tàu hàng là 3-4 giờ, qua đó hình thành thêm phương thức vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn.
Do bị đưa vào danh sách các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ nên tuyến đường sắt này bị "đắp chiếu" suốt từ năm 2011 đến nay.
![]() |
Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân bị "đắp chiếu" suốt từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Hoàng Dương. |
Trong bối cảnh mới, nhất là thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Kết quả rà soát, nghiên cứu cho thấy dự án cần thay đổi công năng vận chuyển.
Dự án được triển khai từ năm 2004 nhưng dở dang, đến nay quy hoạch đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, tuyến đường sắt ban đầu được thiết kế chủ yếu để vận chuyển hàng hóa giữa Vân Nam (Trung Quốc) và cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Hiện nay, quy hoạch cảng biển đã được điều chỉnh, trong đó tập trung phát triển tại khu vực Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) nên tuyến đường sắt kết nối trên hành lang Đông - Tây là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong khi đó, theo quy hoạch ngành, quốc gia và địa phương, hành lang kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh có nhiều di sản văn hóa và khu du lịch, dẫn đến nhu cầu vận tải hành khách tăng cao. Kết quả dự báo cho thấy, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ có nhu cầu vận tải hành khách lớn hơn và hàng hóa thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Như vậy, công năng của dự án đã có sự thay đổi và vận chuyển hành khách là chính chứ không phải hàng hóa.
Về quy mô đầu tư, đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã hoàn thành đưa vào sử dụng Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), như vậy chỉ xem xét đầu tư 3 Tiểu dự án còn lại là Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long và Yên Viên - Lim.
![]() |
Vốn cho dự án đường sắt này tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Dương. |
Trước mắt, để phù hợp với nhu cầu vận tải, quy hoạch đô thị và phát triển du lịch, đơn vị tư vấn đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tuyến đường sắt từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm...
Theo Bộ GTVT, tổng chi phí đầu tư dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hiện tại cần khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 làm cơ sở để Bộ GTVT bố trí vốn và hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án theo thẩm quyền...
>> Điều chỉnh dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng lên hơn 8,3 tỷ USD
Đường sắt tốc độ cao cần trăm nghìn nhân lực, đề xuất miễn giảm học phí đào tạo
Quảng Ngãi 'dọn tổ' cho Hòa Phát (HPG) sản xuất thép ray phục vụ siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD