Vì sao đề xuất tốc độ tối đa 60km/h với một số đoạn cao tốc?
Bộ GTVT đề xuất tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 60km/h đối với đường cao tốc ở một số khu vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, tốc độ như vậy không khác quốc lộ thông thường.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, bên cạnh tốc độ tối đa cho phép trên cao tốc lần lượt ở mức 120, 100, 80km/h tùy theo thiết kế thì dự thảo còn đề cập đến đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.
Điều 9, dự thảo thông tư quy định tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc.
Cụ thể: Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 120km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h. Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 100km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 100km/h. Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 80km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 80km/h. Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 60km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.
Đối với đường cao tốc khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, tùy theo quy mô phân kỳ để xác định, nhưng tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 90km/h. Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe; đồng thời phải tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và quy định về "sử dụng làn đường", "Vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt" theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo lý giải của ban soạn thảo, đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế thì cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.
Anh Nguyễn Văn Thành (lái xe ở Kim Bôi, Hòa Bình) cho rằng, nếu tốc độ tối đa trên đường cao tốc 60km/h thì gần như không có tai nạn. Tuy nhiên, việc chạy chậm sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế.
“Ví dụ chạy từ Hà Nội - Hải Phòng theo quy chuẩn cao tốc sẽ hết 1 giờ, nếu áp theo dự thảo sẽ tăng lên 2 giờ, không khác gì đi trên quốc lộ 5. Trong khi đó, đường cao tốc được định nghĩa là đường chạy 1 chiều, vận hành với tốc độ cao nhằm rút ngắn thời gian di chuyển”, anh Thành băn khoăn.
Góp ý kiến vào đề xuất này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, không nên quy định cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h. Bởi vì, hiện nay quốc lộ có từ 2 làn xe/chiều đã có những vị trí được chạy tốc độ tối đa 90km/h.
“Nếu cao tốc có tốc độ tối đa 60km/h thì tốc độ tối thiểu sẽ là bao nhiêu? Như thế có khác gì so với đường bộ thông thường? Vì thế, tôi cho rằng không nên đặt ra quy định “cứng” về thiết kế đường cao tốc có tốc độ tối đa 60km/h. Thay vào đó, giống như các nước, nên thiết kế đường cao tốc có tốc độ từ 80km/h trở lên.
Trên tuyến cao tốc đó nếu có những đoạn do địa hình miền núi, đặc biệt khó khăn thì có thể cho phép chạy với tốc độ 60km/h. Nhưng trước khi vào đoạn đường này cơ quan quản lý phải cắm biển “hết đường cao tốc” và đoạn đường này phải coi là đường bộ thông thường dù vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn giống như đoạn trước đó. Sau khi hết đoạn tốc độ tối đa 60km/h thì cắm biển “vào cao tốc”.
Nếu áp dụng theo cách thức này thì sẽ không bị mâu thuẫn”, ông Tạo nói.
>>Hành trình đưa cát biển về đất liền để thi công cao tốc Bắc - Nam