Ông là một vị tướng dạn dày trận mạc, cầm súng ở cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới.
Ngọn cờ đầu trong những mùa chiến dịch
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến sinh ngày 27/2/1931, trong một gia đình cố nông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP. Hà Nội). Ông tham gia Cách mạng từ những năm 1946, chính thức nhập ngũ vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 khi tròn 19 tuổi.
Trận đánh đầu tiên ông được tham gia là trận chống địch càn vào làng Hạ Bằng (huyện Thạch Thất). Sau đó, ông tham gia nhiều trận đánh chống Pháp trong đội hình Đại đoàn 320, nhưng phải đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tài năng, bản lĩnh của ông mới được thể hiện rõ nét với nhiều dấu ấn trong nhiều trận đánh, chiến dịch.
Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, ông giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Trong chiến dịch này, ngày 25/2/1971, tại Đồi 31, dưới sự chỉ huy của ông, đơn vị đã bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 của quân đội Sài Gòn. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ông đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Tài năng của ông còn được thể hiện qua nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên, tạo nên chiến thắng thần tốc “1 ngày bằng 20 năm”. Bởi vậy, khi nói đến chiến thắng Tây Nguyên, không thể không nhắc tới Trung tướng Khuất Duy Tiến và ngược lại nói đến Trung tướng Khuất Duy Tiến, không thể không nhắc tới nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Thời điểm đó, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên và ông là người đặt bút soạn thảo kế hoạch nghi binh.
Trên 10 trang giấy ấy, một kế hoạch tác chiến hoàn hảo đã được tạo ra. Kế hoạch nghi binh của Trung tướng Khuất Duy Tiến khi ấy đã đánh lừa địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Đây được coi là cuộc nghi binh hoàn hảo trong kháng chiến chống Mỹ, khiến quân địch và chính quyền Sài Gòn bất ngờ, trở tay không kịp.
Với nghệ thuật nghi binh của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã tạo ra một cú lừa ngoạn mục - khiến quân địch bị động, hoảng hốt rồi tan rã.
Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh cách mạng, làm thay đổi cơ bản lực lượng giữa ta và địch, đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau thắng lợi năm 1975, tưởng đất nước sẽ ngưng tiếng súng, nhưng cuối năm 1977, bọn phản động Pol Pot tiến hành chống phá Việt Nam điên cuồng. Trước tình hình đó, Tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Kim Tuấn quyết định điều Khuất Duy Tiến, khi ấy đang là Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân đoàn về nhận nhiệm vụ làm Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3.
Đến mùa khô cuối 1978, ông chỉ huy sư đoàn đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia) tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum) bằng lực lượng cơ giới hành tiến thọc sâu, trong 1 ngày đã diệt gọn mục tiêu. Tiếp đó, trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1/1979, Sư đoàn 320 do ông chỉ huy đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh...
Sau này, khi tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp, từ đầu năm 1985, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 được tăng cường cho mặt trận Hà Giang. Thiếu tướng Khuất Duy Tiến - Tư lệnh quân đoàn đã lên Vị Xuyên, đến từng căn hầm, đoạn hào với bộ đội. Từ thực tế chiến trường, ông chỉ đạo làm đường chui, cải tạo các hang đá, hốc núi thành kho trạm, hầm trú ẩn và xây dựng hầm bê tông trên các điểm tựa. Nhờ hệ thống phòng ngự vững chắc, đơn vị đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công lớn của đối phương.
Phẩm chất người lính Cụ Hồ giữa thời bình
Hơn 50 năm tham gia binh nghiệp, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã cầm súng từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới. Hòa bình lập lại, trên các cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn phát huy bản lĩnh, kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp xây dựng quân đội, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu giai đoạn mới.
Luôn trăn trở trước những hy sinh của đồng đội nên sau này, ông đã đề xuất thành lập Ban liên lạc truyền thống đơn vị và lên kế hoạch xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại 2 điểm cao 1015, 1049 ở Tây Nguyên - nơi đơn vị ông đã chiến đấu anh dũng năm xưa. Ông còn vận động được hơn 7 tỷ đồng để xây dựng 2 Đài tưởng niệm tại đây, cá nhân ông đóng góp 870 triệu đồng.
Hiện nay, Đài tưởng niệm ở điểm cao 1015 đã trở thành Di tích Quốc gia. Trong suốt quá trình thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay, mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn nhiều lần vượt hàng ngàn cây số để đến thắp nén tâm hương như một lời tri ân những đồng đội năm xưa đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.
Ông được tặng thưởng Huân chương Quân công (hạng Nhì), Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 2 huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì, 2 huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng...
Năm 2023, ở tuổi 92, ông được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Điều này đã một lần nữa khẳng định được phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn được ông phát huy cả ở trong thời chiến và thời bình.
Tham khảo:
- Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - người làm nên "cú lừa" ngoạn mục trong chiến dịch Tây Nguyên: 85% xương thịt của tôi là của các liệt sĩ - Báo điện tử VTV
- Trung tướng Khuất Duy Tiến - ngọn cờ đầu mãi luôn tỏa sáng - Báo Hà Nội Mới
- Ngọn cờ đầu trong những mùa chiến dịch - Báo QĐND
- Trung tướng Khuất Duy Tiến: Sáng ngời tấm gương người lính Cụ Hồ - Báo Lao động Thủ đô