Vị Trung tướng từng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, được mệnh danh là 'anh Cả' của ngành Tuyên huấn Quân đội, 3 lần giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội

18-04-2024 11:05|Quỳnh Như

Với 28 năm công tác trong quân đội, chỗ nào nóng bỏng, ác liệt nhất, thậm chí hy sinh nhiều nhất thì ông có mặt.

"Đốc lý đỏ" qua mặt mật thám

Trung tướng Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông sớm tham gia các phong trào cách mạng như Đoàn Thanh niên Dân chủ Hà Nội rồi Thanh niên Phản đế những năm 1937-1939. Tới tháng 8/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trung tướng Lê Quang Đạo (1921-1999). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Trung tướng Lê Quang Đạo (1921-1999). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Từ giữa năm 1941, Nguyễn Đức Nguyện lấy bí danh là Lê Quang Đạo để hoạt động và trải qua các chức vụ: Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Ban Cán sự Đảng Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội, đồng thời là biên tập viên báo Cứu quốc, Cờ giải phóng và là Phó ban tuyên truyền Trung ương Đảng.

Từ năm 1939, phong trào cách mạng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tiếp bị khủng bố, nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đầy, tra tấn và hy sinh. Nhiều cán bộ của Đảng lánh về quê để củng cố tổ chức và chờ thời cơ thì Lê Quang Đạo vẫn hoạt động rất sôi nổi ở Hà Nội. Thời điểm ấy, trong hồ sơ của mật thám Pháp, chúng gọi Lê Quang Đạo là “Đốc lý đỏ” và tìm mọi cách truy bắt. Năm 1944, nhờ may mắn, quyết đoán, Lê Quang Đạo đã thoát khỏi cái bẫy mật thám Pháp.

Trung tướng Lê Quang Đạo (giữa) cùng thư ký và bảo vệ. Ảnh: Báo VOV

Trung tướng Lê Quang Đạo (giữa) cùng thư ký và bảo vệ. Ảnh: Báo VOV

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ông được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Đối với Hà Nội, Lê Quang Đạo có 3 lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần thứ nhất, từ tháng 10/1943-10/1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp.

Lần thứ hai, từ tháng 5/1946-12/1946, trên cương vị Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt 2 tháng và là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Lần thứ ba, từ cuối năm 1947-1948, Lê Quang Đạo đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.

"Anh Cả" ngành Tuyên huấn Quân đội

28 năm ở quân đội, chỗ nào nóng bỏng, ác liệt nhất, thậm chí hy sinh nhiều nhất thì Lê Quang Đạo có mặt. Năm 1950, ông đang là Phó ban Tuyên truyền Trung ương và phụ trách báo Sự thật thì được Trung ương Đảng điều động vào quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh giao Lê Quang Đạo làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Ngay sau đó, ông được phân công là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới. Do tính chất và tầm quan trọng của chiến dịch nên Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này và Lê Quang Đạo là một trong những người đi bộ, leo đèo lội suối cùng với Bác Hồ.

Sau đó, Lê Quang Đạo được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, như Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), đường 9-Quảng Trị (1972)... Trên cương vị được giao, ông luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, nắm chắc diễn biến của từng trận đánh, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Đường số 9-Nam Lào, năm 1971 gồm các đồng chí: Lê Quang Đạo, Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng, Song Hào. Ảnh: Báo Quốc phòng Thủ đô

Bộ chỉ huy Chiến dịch Đường số 9-Nam Lào, năm 1971 gồm các đồng chí: Lê Quang Đạo, Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng, Song Hào. Ảnh: Báo Quốc phòng Thủ đô

Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Trung tướng Lê Quang Đạo được mệnh danh là “anh Cả của ngành Tuyên huấn Quân đội”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: "Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta... Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn Quân đội. Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy, anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu..."

Với những hoạt động và đóng góp với ngành Tuyên huấn Quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ông đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.

Tư duy đổi mới ở nghị trường

Trung tướng Lê Quang Đạo không chỉ nổi danh khi đảm nhiệm các trọng trách trong 28 năm quân ngũ mà còn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa VIII. Ảnh tư liệu/Báo Đại biểu Nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa VIII. Ảnh tư liệu/Báo Đại biểu Nhân dân

Giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992), nhiệm kỳ đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước, ông luôn quan tâm tới việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh.

Chủ tịch Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội, từng bước đổi mới trên mọi mặt hoạt động và có đóng góp tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân.

Hiến pháp 1992 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc, Hiến pháp đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ông Lê Quang Đạo đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới.

Với những hoạt động và cống hiến to lớn, Trung tướng Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng (truy tặng năm 2002), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân Công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Ítxala hạng Nhất do Nhà nước Lào truy tặng...

Tham khảo:

- Các Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm: Lê Quang Đạo - Cổng TTĐT Quốc hội

- Lê Quang Đạo-Nhà lãnh đạo có uy tín lớn - Báo Quốc phòng Thủ đô

- Chuyện ít biết về Trung tướng Lê Quang Đạo - Báo QĐND

- Lê Quang Đạo – Vị tướng chiến đấu và xây dựng - Báo QĐND

>> Thân thế vị tướng được Bác Hồ đặt biệt danh 'cây gỗ mun': Được phong tướng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh

Người đầu tiên giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ: Người anh em chí thiết, cộng sự đắc lực của Bác Hồ, được truy tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam

Vị tướng thân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ, được Bác Hồ tặng 3 bảo vật

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-trung-tuong-tung-giu-cuong-vi-chu-tich-quoc-hoi-duoc-menh-danh-la-anh-ca-cua-nganh-tuyen-huan-quan-doi-3-lan-giu-chuc-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-d120724.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị Trung tướng từng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, được mệnh danh là 'anh Cả' của ngành Tuyên huấn Quân đội, 3 lần giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH