Trong số các vị tướng được phong hồi đó, duy nhất có ông bị răng hô nên mọi người gọi đùa là "mái hiên".
Chính ủy đoàn quân Tây Tiến
Trung tướng Lê Hiến Mai (tên thật là Nguyễn Văn Phường) sinh năm 1918, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội ngày nay.
Năm 1939, ông tình cờ gặp nhà cách mạng Phan Trọng Tuệ, được giác ngộ, dìu dắt, từ đó cuộc đời ông rẽ sang một con đường mới, đó là con đường làm cách mạng. Năm 1941, trong một lần đi hoạt động gây cơ sở, ông bị đế quốc Pháp bắt, chúng giam ông ở Sơn Tây rồi đưa ra Hà Nội. Năm 1942, ông bị đưa đi đày ở Sơn La. Hồi đó, các chiến sỹ cách mạng Song Hào, Trần Thế Môn, Nhị Quý, Lê Trung Đình cũng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La.
Dù trong điều kiện bị tù đày, ông vẫn mò mẫm chắp bút ghi lại lược sử Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau này vào dịp kỷ niệm 12 năm thành lập Đảng (1930-1942), cuốn sổ của ông đã đóng góp nhiều tư liệu quý trong xây dựng lịch sử Đảng. Năm 1967, khi giữ cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong một lần đến thăm Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ông đã tặng lại cuốn lược sử Đảng ấy...
Ngày 11/10/1944, ông cùng 12 người khác được đồng chí Song Hào tổ chức vượt ngục. Từ tháng 8/1944-1945, ông tham gia Cứu quốc quân; là Ủy viên Phân khu ủy Phân khu Tuyên - Thái; phái viên chính trị Giải phóng quân phụ trách mặt trận Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Lào); Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn ủy...
Cuối năm 1945-1946, vùng Tây Bắc Chiến khu 2 là một mặt trận nóng bỏng vì quân Pháp từ Côn Minh - Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống Bắc Lào rồi chiếm Lai Châu - Điện Biên Phủ làm bàn đạp để đánh xuống Sơn La, Hòa Bình. Hai ông Hoàng Sâm và Lê Hiến Mai là linh hồn của Bộ chỉ huy mặt trận này đã theo sát diễn biến và điều quân đối phó linh hoạt với cả quân Pháp và quân Tưởng.
Sau Tết Đinh Hợi 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập do hai ông Hoàng Sâm và Lê Hiến Mai trực tiếp chỉ huy. Sở chỉ huy mặt trận đặt ở Mường Hịch (Mai Châu, Sơn La)...
Cuộc đời "quý nhất cái tên do Bác Hồ đặt"
Tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của Việt Nam. Tại đó, ông Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, ông Nguyễn Bình được phong Trung tướng và các Thiếu tướng: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Trần Đại Nghĩa, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn.
Lê Hiến Mai là vị tướng trẻ nhất trong đợt phong quân hàm đầu tiên và có lẽ cũng là trẻ nhất cho đến ngày nay, khi vừa tròn 30 tuổi.
Trong số các vị tướng được phong hồi đó, duy nhất có ông Nguyễn Văn Phường bị răng hô, mọi người gọi đùa là "mái hiên". Biết chuyện, Bác Hồ đã cho gọi chú "mái hiên" lên rồi đặt tên cho ông theo cách nói ngược lại của từ mái hiên là Hiến Mai. Nghe Bác nói xong, ông thích quá. Ông bảo, cái tên Bác đặt quý quá, thành ra cứ sử dụng nó cho đến cuối đời.
Đang công tác ở Chiến khu 2, tháng 9/1948, tướng Lê Hiến Mai được lệnh theo đoàn công tác vào Nam, nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phó Bí thư Xứ ủy, rồi Phó tư lệnh Nam Bộ... Để đảm bảo bí mật, ông mang bí danh mới: Dương Quốc Chính.
Nói như ông Lê Toàn Thư, Phó Trưởng ban Thống nhất Trung ương, “đồng chí Dương Quốc Chính gắn chặt với Bộ Tư lệnh Nam Bộ và Quân khu 8”. Khi Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh, ông được cử thay nhiệm vụ của vị tướng này.
Tại Nam Bộ, ông Lê Đức Thọ đã “làm mai” người cán bộ phụ nữ tỉnh Bạc Liêu là bà Ngô Duy Liên cho tướng Lê Hiến Mai. Đám cưới của ông bà được tổ chức ngày 30/4/1954, một tuần trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đại diện nhà trai là ông Lê Đức Thọ; đại diện nhà gái là ông Ung Văn Khiêm.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tướng Lê Hiến Mai luôn là người được Đảng, Nhà nước và bạn bè tín nhiệm. Ông từng giữ những cương vị cao như Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Nội vụ.
Năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược... Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III và IV; Đại biểu Quốc hội các khóa III, V, VI và VII.
Ngoài ra, ông cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay (6/11/1992), ông còn dặn vợ và các con rằng: "Cuộc đời ông, quý nhất là cái tên Lê Hiến Mai do Bác Hồ đặt"...
Tham khảo:
- Chính ủy đầu tiên - Đồng chí Lê Hiến Mai - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
- Trung tướng Lê Hiến Mai - những nẻo đường Tây Tiến - Báo Thanh Niên
- Những vị tướng đầu tiên: Vị tướng tuổi 30 - Báo Nông Nghiệp
- Đời thường tướng lĩnh: Trân trọng tên Bác đặt - Báo QĐND