Ông được coi là Chapaev Việt Nam – người anh hùng, sư trưởng nổi tiếng trong văn học và phim ảnh Liên Xô một thời…
Người bảo vệ Bác Hồ
Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở xã Lệ Sơn (nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), trong một gia đình nông dân nghèo.
Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, do hoàn cảnh bần cùng, không có ruộng đất cày, cậu bé Trần Văn Kỳ đã phải theo gia đình rời bỏ quê hương sang Thái Lan để tìm kế sinh nhai. Trong những năm sống tại đây, nhờ sự sáng dạ và nhanh nhẹn, Trần Văn Kỳ đã được Thầu Chín (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động tại Thái Lan) lựa chọn và huấn luyện trở thành liên lạc của Người. Dưới sự dìu dắt của Thầu Chín, Trần Văn Kỳ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con Việt kiều tham gia các tổ chức cách mạng.
Tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều, năm 1934, ông bị mật thám Thái Lan bắt ở Bangkok, giam một năm rồi trao cho Lãnh sự quán Pháp. Không có bằng chứng kết tội, chúng phải trả ông lại cho nhà cầm quyền Thái Lan. Bị trục xuất, ông được tổ chức đưa sang Trung Quốc. Ở nhà, mật thám đã bắt và thủ tiêu thân phụ ông. Đến Nam Ninh (Quảng Tây), Trần Văn Kỳ được ông Phùng Chí Kiên cho đi học tiếng Hoa.
Mùa đông năm 1940, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín ở Tĩnh Tây (sát với biên giới Cao Bằng) cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Khi này, ông mới biết Thầu Chín chính là Bác Hồ và được Bác đặt tên là Hoàng Sâm. Các con ông sau này cũng được đặt tên theo họ Hoàng.
Tháng 2/1941, khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng, Hoàng Sâm cùng với Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp đã được Người tin tưởng chọn là những người bảo vệ Người từ Trung Quốc về Pác Bó – Cao Bằng.
Khi còn ở Việt Bắc, với đồng bào dân tộc nơi này, Hoàng Sâm như một huyền thoại. Họ nói, ông cưỡi ngựa giỏi không kém bất cứ người dân tộc nào và có tài bắn súng bằng hai tay xuất sắc như một xạ thủ thứ thiệt. Họ còn nói ông là người mà khiến cả những trùm phỉ khét tiếng nhất vùng Việt Bắc cũng phải tâm phục, không dám nhũng nhiễu người dân trong vùng, đem lại sự bình yên cho nhân dân khắp vùng Hà Quảng.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng. Ông đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1950), ông được giao giữ chức vụ Khu trưởng Khu 2, Chỉ huy Mặt trận Tây Tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm khi ông mới 33 tuổi.
Năm 1953, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ðại đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Ðây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với hơn 2.000 tên địch, gồm một tiểu đoàn lựu pháo 105mm, một đại đội cối 120mm, hai trung đoàn xe tăng.
Những chiến công của Ðại đoàn 304 làm tê liệt hoàn toàn phân khu Nam, ngăn sự chi viện cho Trung tâm Mường Thanh, là một thành tích đáng kể góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Hoàng Sâm là vị tướng đặc biệt với nhiều chiến công, từng đảm nhiệm trọng trách Khu trưởng Liên khu 2, Liên khu 3 thời chống Pháp, Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu 3, Quân khu Trị - Thiên thời chống Mỹ… được coi là Chapaev Việt Nam - người anh hùng, Sư trưởng nổi tiếng trong văn học và phim ảnh Liên Xô một thời…
Cố vấn quân sự cho Quân đội quốc gia Lào
Giai đoạn từ 1962-1964, tướng Hoàng Sâm (với bí danh Chăn Di) cùng tướng Lê Chưởng nhận nhiệm vụ chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào. Ngày ấy, giữa Pathet Lào và Hoàng gia lập ra Chính phủ Liên hiệp, cố vấn quân sự Việt Nam sang giúp đỡ cả 2 lực lượng “tả” và “hữu”.
Tướng lĩnh Hoàng gia sĩ quan “cánh hữu” đa số là con quan lại, nhà giàu, vốn rất ngang bướng. Với tri thức học được, kết hợp kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và kinh nghiệm thu phục các trùm phỉ, Hoàng Sâm đã làm cho tướng lĩnh Quân đội quốc gia Lào nể phục.
Kháng chiến chống Mỹ diễn ra, các tướng lĩnh trong quân đội tiếp tục ra trận. Tháng 6/1968, ông được lệnh vào mặt trận Trị - Thiên. Suốt 6 tháng ròng rã chiến đấu, tới ngày 15/12/1968, ông đã anh dũng hy sinh tại mặt trận. Dù chiến tranh rất ác liệt, Quân ủy Trung ương vẫn quyết tâm đưa thi hài ông ra Hà Nội.
Một tháng sau, tang lễ Thiếu tướng Hoàng Sâm mới được cử hành. Bác Hồ đau xót đến tiễn đưa người cán bộ từng gắn bó với mình trong những ngày hoạt động bí mật ở Thái Lan, nay hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho non sông khi mới 53 tuổi.
Thiếu tướng Hoàng Sâm là Đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III. Ghi nhận những cống hiến đến hơi thở cuối cùng của Thiếu tướng Hoàng Sâm cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã phong, truy tặng nhiều huân chương cao quý cho ông, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Khánh chiến hạng Nhất.
Tham khảo:
- Tư lệnh đầu tiên - Đồng chí Hoàng Sâm - Cổng TTĐT Bộ Quốc Phòng
- Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người con ưu tú của Quảng Bình - Báo QĐND
- Chuyện về Hoàng Sâm, vị Thiếu tướng đầu tiên của QĐNDVN - Báo Đại Đoàn Kết
- Thiếu tướng Hoàng Sâm - Đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Báo QĐND