Vị vua ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam

21-03-2024 01:02|Nam Trần

Năm 1042, vị vua này cho ban hành bộ luật để giữ kỷ cương nền nếp, dân chúng yên ổn làm ăn, sinh sống.

Theo sử sách ghi chép lại thì trước thời Lý, ở Việt Nam chưa có luật thành văn. Pháp luật chủ yếu tồn tại dưới dạng các quy ước và tục lệ. Thế rồi, từ thời Lý trở đi, các Nhà nước quân chủ đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực lập pháp, đặc biệt là việc ban hành luật thành văn, trong đó Bộ luật Hình thư thời Lý (năm 1042) có thể được xem là Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta.

Vị vua anh minh, nhân từ

Lý Thái Tông (1000 – 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý, cai trị trong 26 năm (1028–1054). Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài giỏi, thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của nhà Lý. Sử sách gọi thời kỳ này là "Bách niên Thịnh thế".

Vua Lý Thái Tông

Tượng thờ vua Lý Thái Tông

Ông tên thật là Lý Phật Mã, là con trưởng của vua Lý Thái Tổ, được mô tả uy dũng hơn người, trải qua "Loạn Tam vương" mà lên ngôi, công danh rạng rỡ. Để củng cố quyền lực cho nhà Lý, bên trong nước, Lý Thái Tông dùng chính sách hòa thân, gả công chúa cho các quan Châu mục, dẹp loạn đảng làm phản như loạn họ Nùng, bên ngoài đánh Chiêm Thành, công tích đánh dẹp uy nghi, lấy đó làm tiền đề cho các đời sau phát triển phồn thịnh.

Lý Thái Tông lên làm vua đã hơn 15 năm, mà nước Chiêm Thành láng giềng không chịu thông sứ và lại cứ quấy nhiễu ở mặt bể. Thấy vậy, năm 1044, vua Lý Thái Tông đích thân đi đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm dàn trận ở phía nam sông Ngũ Bồ. Ông truyền thúc quân đánh tràn sang, quân Chiêm thua chạy. Quân Lý bắt được hơn 5.000 người và 30 con voi. Tướng Chiêm là Quách Gia Di chém chết vua Sạ Đẩu, dâng đầu sang xin hàng.

Bấy giờ, quân Chiêm Thành và dân bản xứ bị giết rất nhiều. Vua Thái Tông trông thấy động lòng thương, ra lệnh cấm không được giết người Chiêm, hễ ai trái lệnh thì theo phép quân mà trị tội.

"Đại Việt sử ký toàn thư" ghi nhận: "Vua từ Chiêm Thành về, làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ, xong về ngự ở điện Thiên An, mở tiệc rượu làm lễ mừng về đến nơi. Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành".

Ban hành Bộ luật Hình thư

Các sử gia cho rằng, Lý Thái Tông cũng như nhiều hoàng đế nhà Lý khác luôn bao dung, đề cao nhân nghĩa bởi các vị vua này ảnh hưởng của quốc giáo là đạo Phật. Và như thế, trong lịch sử hơn 200 năm của nhà Lý, đất nước bước vào giai đoạn cường thịnh có phần đóng góp to lớn của Hình thư, Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta.

Hình thư, bộ luật hình sự đầu tiên ở Việt Nam

Hình thư, Bộ luật Hình sự đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1042, Lý Thái Tông ban hành Hình thư. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có chép: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu”.

Bộ luật Hình thư đánh dấu một cột mốc quan lịch sử lập pháp nước ta. Thế nhưng, bộ luật này hiện không còn bản gốc nhưng nội dung của nó còn được ghi chép lại trong sử cũ. Căn cứ vào những ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư" thì Hình thư là một bộ sưu tập luật lệ có tính pháp điển gồm 3 quyển, quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại, quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản, quy định về thuế…

Ngay sau khi ban hành luật, nhà Lý cho ban hành thể lệ chuộc tội, trừ khi người đó phạm phải những tội trong thập ác:

1. Mưu phản: làm nguy xã tắc

2. Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết

3. Mưu bạn nghịch: nổi loạn theo giặc

4. Ác nghịch: đánh giết ông bà cha mẹ

5. Bất đạo: giết người vô tội

6. Đại bất kính: dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua

7. Bất hiếu: mắng chửi hay không để tang ông bà, cha mẹ

8. Bất mục: đánh giết những người thân thuộc gần gũi

9. Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng, con giết cha

10. Nội loạn: thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha.

Năm 1043, Lý Thái Tông đặt thêm quy định: Ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu (đày đi nơi khác). Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 1043, tháng 8, vua xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc. Xuống chiếu rằng quân sĩ bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ.

Đáng chú ý rằng, bộ luật này có đề cập tới vấn đề xét xử tội tham ô, hối lộ. "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chép: Vào năm Quý Mùi (1043), vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa) “ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”.

Tuy hiệu lực vẫn còn hạn chế, thế nhưng việc ra đời của Hình thư cũng như các cơ quan chuyên trách pháp luật như Bộ Hình và Thẩm hình được xem là bước tiến trong việc tổ chức quản lý của nhà nước thời Lý.

Đề cao sự khoan hồng

Lý Thái Tông còn quy định về tuyên thệ như một nghi thức của triều đình. Chuyện là sau khi dẹp được Loạn Tam vương, hàng năm, vua cùng quần thần đến đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) để cùng phát thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Lễ thức này được duy trì qua nhiều triều vua đời Lý và sang cả đời Trần.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Nhiều lần dụng binh từ Nam chí Bắc nhưng Lý Thái Tông tỏ ra là vị hoàng đế bao dung, nhân hậu. Trong cuộc phản loạn của các vương tôn, nghe tin Vũ Đức vương bị giết trong cuộc chiến ngai vàng, Khai Quốc vương đóng ở phủ Trường Yên (Hoa Lư) lòng càng bất bình, cậy có núi sông hiểm trở bèn đem phủ binh làm phản. Lý Thái Tông thân đi đánh. Ngày đến Trường Yên, Khai Quốc vương đầu hàng. Vua xuống chiếu tha tội cho Khai Quốc vương, vẫn cho tước như cũ.

Ngoài ra, Nùng Trí Cao nhiều lần làm phản nhưng vẫn được ông đối đãi khá rộng lượng. Vì vậy, nhà sử học Ngô Sĩ Liên theo quan điểm Nho giáo chê ông “mê hoặc theo thuyết từ ái của đạo Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch”.

Dẫu cũng có những quy định khắc nghiệt nhưng xét cho cùng, Hình thư là bộ luật chặt chẽ, đề cao sự khoan hồng nhằm giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, dễ dàng nhận thấy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, trong đó có truyền thống thượng tôn pháp luật, lấy dân làm gốc, đã xuất phát từ ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông.

Tham khảo:
- Vị vua ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam - Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (27/12/2019)
- Những Bộ luật đầu tiên của Việt Nam: Dấu ấn rực rỡ của văn minh người Việt - Báo Pháp luật (14/02/2024)

>> Vị tướng quân huyền thoại Việt Nam, đánh bại quân Tống hùng mạnh bằng chiến lược quân sự đặc biệt

Nữ Trạng nguyên đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam

Bí mật rợn người dưới lăng mộ vị vua phong lưu, đa tình bậc nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa

Vì sao các vị vua nhà Nguyễn không lập Hoàng hậu?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-vua-ban-hanh-bo-luat-hinh-su-dau-tien-cua-viet-nam-d118563.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị vua ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH