Vị vua chết vì bị ‘trời phạt’, dám liều mình thách thức thần linh, cuối cùng phải trả giá bằng cả mạng sống
Là vị vua thứ 27 của triều đại nhà Thương, Vũ Ất nổi tiếng không chỉ vì quyền lực mà còn bởi tính cách ngông cuồng và hành vi kỳ quái. Nhưng chính sự kiêu ngạo ấy đã dẫn đến cái chết bất ngờ của ông, khiến cả hậu thế bàng hoàng.
Vũ Ất, tên thật là Tử Cù, lên ngôi trị vì nhà Thương từ năm 1196 Trước Công Nguyên. Theo Sử ký - Ân bản kỷ của Tư Mã Thiên, Vũ Ất không chỉ bất tài mà còn coi thường lễ giáo và thần linh, thường xuyên hành xử trái với niềm tin tín ngưỡng của người Trung Hoa cổ đại.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về sự ngạo mạn của Vũ Ất là hành động “chơi cờ với thánh” như một cách để khiêu khích thiên mệnh. Ông từng sai người khắc một bức tượng thần, bày ra bàn cờ, tự chơi cờ với tượng và cố tình để mình thắng rồi cười nhạo, giễu cợt rằng thần linh cũng phải thua mình. Sau đó, ông thậm chí còn lấy gươm chém đầu bức tượng thần.

Chưa dừng lại ở đó, trong một lễ tế trời, Vũ Ất cho may túi da, đựng máu động vật treo lên cao, rồi dùng cung tên nhắm vào túi ấy mà bắn, tự cho là mình đang “bắn trời”, sát phạt thần thánh. Ông còn từng chê bai rằng thần sấm và sét chẳng là gì so với sức mạnh của mình. Những hành vi của ông khiến cả triều đình kinh sợ, dân chúng bàn tán, coi đó là điềm xấu và biểu hiện của sự ảo tưởng quyền lực.
Sử ký gọi những việc làm của Vũ Ất là “vô đạo”. Và rồi sự “vô đạo” ấy đã dẫn đến cái kết rúng động của vị Hoàng đế nhà Thương. Vào năm 1195 Trước Công Nguyên, Vũ Ất dẫn binh đi săn tại vùng đất Hứa và đất Vị - khu vực nằm giữa Hoàng Hà và Vị Thủy, bỗng giông tố nổi lên, ông bị sét đánh trúng và tử vong ngay tại chỗ.

Điều kỳ lạ là, hôm ấy trời không có mưa bão, việc sét bỗng dưng xuất hiện bất ngờ khiến các nhà sử gia tin rằng đây không chỉ là một tai nạn mà còn là bản án của trời đang trừng phạt một kẻ dám phạm thượng và báng bổ thần thánh.
Sau cái chết của Vũ Ất, con trai của ông là vua Thái Đinh lên ngôi. Thế nhưng, triều đại nhà Thương không kéo dài được lâu. Tới đời vua thứ 30 của nhà Thương - Trụ Vương - trị vì, sự tàn ác của ông đã khiến nhân dân nổi sóng. Bộ tộc Chu nhân cơ hội dấy binh khởi nghĩa, chiêu tập lực lượng chống lại nhà Thương. Do không được lòng binh lính, quân đội của Trụ Vương nhanh chóng, Trụ Vương phải tự thiêu mà chết, nhà Thương chính thức diệt vong.
Cho tới nay, các học giả hiện đại vẫn chưa thể lý giải được cái chết của ông, ngay cả khi so sánh nó với những hiện tượng khí tượng hiếm gặp. Trong bối cảnh tín ngưỡng và chính trị của Trung Hoa thời đó, câu chuyện này được coi như một lời giáo hóa mạnh mẽ về việc con người không được vượt khỏi chuẩn mực đạo lý của xã hội.
Theo: Trúc thư kỷ niên, Sử ký, CCTV China.