VSC nhận định Công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình đầu tư nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển và lỗ khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.
CTCP Container Việt Nam - Viconship (HOSE: VSC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng về định hướng kinh doanh và phương án chia cổ tức.
Về kế hoạch kinh doanh, nhận định thị trường còn nhiều rủi ro, VSC đặt mục tiêu doanh thu 2023 đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2022. Các chỉ tiêu sản lượng năm 2023 của VSC đều tăng so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi trước thuế giảm dự giảm tới 45% xuống còn 260 tỷ đồng.
Theo VSC, các nền kinh tế lớn nhất thế giới - gồm Trung Quốc, EU và Mỹ - sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm 2023, qua đó phản ánh nguy cơ rủi ro trở thành hiện thực như điều kiện tài chính thắt chặt, lãi suất tăng mạnh để chống lạm phát, giảm tăng trưởng tại Trung Quốc cũng như khủng hoảng thị trường bất động sản. Cuộc xung đột Nga-Ukraine được dự báo cũng có thể tác động lan tỏa đến nguồn cung khí đốt.
Bên cạnh đó, VSC cũng đối mặt một số rủi ro ngay trong chính mảng hoạt động của Công ty. Việc cạnh tranh trong các mảng dịch vụ chính của Công ty vẫn hiện hữu, điển hình như mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng trong năm 2023 khi TC-HICT hoàn thành nạo vét đón tàu cỡ lớn chia sẻ nguồn hàng với các cảng feeder truyền thống. Chi phí một số khoản mục dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu. Ngoài ra, dù khách hàng đã trở lại so với trước dịch, kinh tế thế giới giảm phát, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…, dẫn tới dư thừa tàu vận chuyển và container rỗng. Các hãng tàu phải tạm dừng hoặc tái cơ cấu tuyến dịch vụ tại Hải Phòng.
Đồng thời, VSC nhận định Công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình đầu tư nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển và lỗ khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Dự kiến chi phí lên khoảng 240 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng là lãi vay, còn lại là khoản lỗ đầu tư vào công ty con, liên kết.
Về chỉ tiêu đầu tư, VSC cho biết các hạng mục đầu tư tiết kiệm và cần thiết để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh như bãi; thiết bị xếp dỡ; xe vận tải; nạo vét vùng nước trước bến… dự kiến hơn 2,628 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.2 ngàn tỷ đồng được dùng cho hạng mục đầu tư dự án mới, cụ thể là nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối đối với một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển.
Về phương án phân phối lợi nhuận, VSC dự trình cổ đông mức cố tức năm 2023 là 10%. Đối với năm 2022, cổ tức sẽ được trả bằng cả tiền mặt và cổ phiếu tổng tỷ lệ 20%. Với hơn 121 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VSC cần chi khoảng 121 tỷ đồng và phát hành tối đa hơn 12,1 triệu cổ mới để thanh toán cổ tức năm 2022.
Về phương án tăng vốn, VSC dự kiến trình thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 trong năm 2023 để tăng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên hơn 2.400 tỷ đồng.