Nhịp sống

Việt Nam chính thức có người đầu tiên trên thế được chứng nhận khỏi căn bệnh 'vua của đau', 35% dân số cả nước mắc phải

Vĩ Hạ 26/07/2024 09:46

Đây là bệnh nhân được điều trị theo mô hình đang được các chuyên gia Pháp phối hợp cùng Viện Gút nghiên cứu.

Người đầu tiên trên thế giới được chứng nhận khỏi gút

Báo Tiền Phong đưa tin, tối 20/7, Giáo sư Thomas Bardin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y khoa Pháp - chuyên gia đầu ngành của thế giới về bệnh gút đã trao giấy chứng nhận điều trị khỏi bệnh gút cho ông Hà Đăng Phương (48 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP. HCM). Ông Phương được chứng nhận đã chữa khỏi bệnh gút theo tiêu chuẩn của liên đoàn chống các bệnh thấp khớp của châu Âu (EULAR).

Ông Hà Đăng Phương được trao giấy chứng nhận đã chữa khỏi bệnh gút. Ảnh: Báo Tiền Phong

Ông Hà Đăng Phương được trao giấy chứng nhận đã chữa khỏi bệnh gút. Ảnh: Báo Tiền Phong

Chia sẻ về sự kiện này, Giáo sư Thomas Bardin cho biết, đa số mọi người nghĩ bệnh gút không thể chữa khỏi nên thường bỏ cuộc, không điều trị đến nơi đến chốn, khiến tình trạng ngày càng nặng.

Tuy nhiên, sự hợp tác nghiên cứu y khoa Pháp - Việt trên cơ sở kết hợp giữa Đông y và Tây y xây dựng chiến lược điều trị toàn diện cho bệnh nhân đã mang lại kết quả khả quan. Ông Đăng Phương trở thành người đầu tiên trên thế giới được chứng nhận khỏi bệnh gút sau khi đã điều trị hết tinh thể urat.

Theo bệnh án, năm 2018 ông Phương đến Viện Gút điều trị trong tình trạng cơ thể nổi nhiều cục tophi ở chân gây biến dạng khớp. Bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau khớp dữ dội, khó khăn trong vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Bệnh nhân gút bị lắng đọng urat natri trong khớp chân. Ảnh: Sưu tầm

Bệnh nhân gút bị lắng đọng urat natri trong khớp chân. Ảnh: Sưu tầm

Tại Viện Gút, ông Phương đã được áp dụng mô hình điều trị bệnh gút và sử dụng thuốc hạ uric và thảo dược của Việt Nam. Sau 6 năm điều trị, các cục tophi trên cơ thể người bệnh đã tan hết.

Sau khi khỏi, bệnh nhân có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường, chỉ cần theo dõi nồng độ acid uric và dùng thuốc hạ nồng độ này mỗi ngày để ngăn tái phát.

Bệnh gút nguy hiểm như thế nào?

Gút là một bệnh mãn tính thường bị nhầm lẫn với viêm khớp cấp tính. Bệnh gây lắng đọng urat natri trong các khớp, do tăng axit uric máu vượt điểm bão hòa (360μmol/L). Cơn gút cấp sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng tăng acid uric máu kéo dài mà không được điều trị.

Không giống như các bệnh viêm khớp khác có thể gây đau nhức mãn tính và cứng khớp, bệnh gút có xu hướng khởi phát đột ngột và gây đau dữ dội nên còn được mệnh danh là "vua của đau".

Khi phát triển sang giai đoạn mãn tính, bệnh sẽ hình thành các hạt tophi dưới da. Hạt tophi phát triển ngày càng lớn sẽ gây lở loét, ảnh hưởng tới các khớp xung quanh, làm tăng nguy cơ viêm khớp, biến dạng khớp và dẫn đến tàn phế.

Một trường hợp mắc bệnh gút biến chứng nặng. Ảnh: Báo Dân Trí

Một trường hợp mắc bệnh gút biến chứng nặng. Ảnh: Báo Dân Trí

Đáng chú ý, bệnh nhân gút thường đi kèm các bệnh lý khác như hội chứng chuyển hóa (thừa cân, tiểu đường, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ…), tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch, suy thận. Điều này càng gây khó khăn hơn trong việc điều trị.

Trước đây, bệnh gút chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa những cơn đau do gút quay trở lại.

Theo Giáo sư Thomas Bardin, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân gút tăng cao chủ yếu do các bệnh liên quan đến tim mạch. Đặc biệt, nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 2 tháng sau cơn gút cao gần gấp đôi so với người bình thường. Điều này cho thấy, bệnh gút không chỉ gây đau nhức khớp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch.

Phòng ngừa bệnh hiệu quả ngay từ khi còn trẻ

VTV News từng dẫn số liệu, ở Việt Nam, có khoảng 35% dân số phải sống chung với bệnh gút, chủ yếu trong độ tuổi lao động. Cứ 100 người trưởng thành thì lại có 2-5 người bị viêm khớp, có những triệu chứng liên quan đến căn bệnh này. Trước đây, bệnh gút thường xảy ra ở độ tuổi 40-50 nhưng hiện bệnh ngày càng trẻ hóa khi xuất hiện nhiều ở độ tuổi 25-35.

Theo chia sẻ của BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP. HCM trên VTC News, để phòng ngừa bệnh gút, bạn cần ăn uống hợp lý và cân đối. Hạn chế các thực phẩm giàu purin, cồn và fructose.

Người mắc bệnh gút nên kiên trì điều trị và có lối ống lành mạnh, tránh bia rượu... Ảnh: Sưu tầm

Người mắc bệnh gút nên kiên trì điều trị và có lối ống lành mạnh, tránh bia rượu... Ảnh: Sưu tầm

Tăng cường ăn các thực phẩm chứa vitamin C, vitamin E, omega-3 và các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe xương khớp. Uống đủ nước mỗi ngày để giúp thận bài tiết acid uric.

Thực hiện chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục thường xuyên để giảm cân một cách an toàn và hiệu quả. Tránh giảm cân quá nhanh hoặc quá mạnh vì có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi nồng độ acid uric trong máu. Nếu có triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh gút, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc.

Stress và áp lực có thể làm tăng sản sinh cortisol, một loại hormone có liên quan đến việc tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, nên tìm những cách thư giãn và giải tỏa stress như nghe nhạc, thiền, yoga, đọc sách...

>> Tin vui cho bệnh nhân HIV: Giá thuốc điều trị mới có thể giảm 1.000 lần, từ 40.000 USD xuống chỉ còn 40 USD

Ký ức của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện 108 về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người già Việt Nam trung bình 'gánh' tới 7 bệnh, có khoảng 1 thập kỷ sống chung với bệnh tật

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-chinh-thuc-co-nguoi-dau-tien-tren-the-duoc-chung-nhan-khoi-can-benh-vua-cua-dau-35-dan-so-ca-nuoc-mac-phai-d128363.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam chính thức có người đầu tiên trên thế được chứng nhận khỏi căn bệnh 'vua của đau', 35% dân số cả nước mắc phải
    POWERED BY ONECMS & INTECH