Việt Nam có 30 ngàn xe taxi điện sau 2 năm, điều gì đang diễn ra?
Chỉ sau 2 năm, Việt Nam đã có trên 30 nghìn xe taxi điện, chiếm khoảng 40% số xe taxi đang hoạt động. Con số này cho thấy xu hướng tăng nhanh và mạnh của loại phương tiện này.
Xe taxi điện đang tăng lên nhanh chóng
Chia sẻ tại tọa đàm về sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (24/5), ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 75.000 xe taxi và chạy dịch vụ các loại, trong đó riêng xe thuần điện có gần 30.000 chiếc, chiếm xấp xỉ 40%, chủ yếu là các dòng xe của VinFast.
Theo đại diện Cục Đường bộ, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT. Lộ trình chuyển đổi xanh nêu rõ: năm 2040, Việt Nam từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với xe chạy dịch vụ, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc. Như vậy, việc chuyển đổi taxi từ xe xăng sang xe thuần điện là xu hướng không thể đảo ngược.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, công nghệ sản xuất ô tô điện hiện nay đã có nhiều bước phát triển. Ô tô điện không có hộp số, những bộ phận về cơ khí trên xe có tuổi thọ cao hơn xe động cơ đốt trong. Những chi tiết cấu thành trong ô tô điện giảm đi rất nhiều, do đó, chi phí chăm sóc bảo dưỡng cũng giảm nhiều, như không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu,... Tổng chi phí để "nuôi" một xe điện chạy dịch vụ cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống, đây là một yếu tố rất quan trọng liên quan đến tỷ suất đầu tư của doanh nghiệp và các tài xế.
Còn với góc nhìn từ một khách hàng, đi xe taxi điện rất êm, không mùi xăng, không tiếng động cơ nên chất lượng phục vụ khách hàng cũng tốt hơn.
"Theo nghiên cứu của Deloitte, khoảng 60% người dân Việt Nam quan tâm và ủng hộ việc sử dụng xe điện vì yêu tố môi trường, cao hơn các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan hay Malaysia,... Đây cũng chính là một lợi thế để taxi điện phát triển trong tương lai gần", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ.
Cần giảm giá cước rẻ hơn để thu hút khách hàng
Ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Việt Nam đã tham gia cam kết COP26, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Do đó, từ năm 2022 đến nay, tất cả chương trình hoạt động của Hiệp hội đều có nội dung về chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch.
"Hiệp hội đã tìm hiểu và tham vấn về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp vận tải, từ đó, khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên kể từ năm 2031, các phương tiện taxi mua mới đều phải dùng nhiên liệu sạch", ông Uy nói.
Đại diện các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT Công ty Én vàng (Hải Phòng) chia sẻ, công ty đã xác định đưa xe điện vào thay thế dần xe xăng, không đầu tư xe xăng trong tương lai. Đây là quyết sách từng gây nhiều tranh cãi ngay trong doanh nghiệp cũng như với đội ngũ lái xe.
"Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ lái xe, khách hàng và cổ đông chất vấn tại sao lại chuyển đổi. Tôi nghĩ rất đơn giản, cứ phương tiện nào đáp ứng được hiệu quả đầu tư, chi phí thấp và vòng đời dài là sẽ ưu tiên lựa chọn. Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng trung bình vừa qua. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 đến 600 đồng tiền điện cho 1km vận tải. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng của xe điện thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng", ông Định nói.
Theo phân tích của Chủ tịch HĐQT Công ty Én vàng, không chỉ doanh nghiệp, chính những người lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi khi sử dụng xe điện thay vì xe xăng.
Anh Đinh Cảnh Dinh, một tài xế taxi công nghệ sử dụng dòng xe VinFast VF e34 cho biết mình là một tài xế độc lập khi tự đầu tư phương tiện và đăng ký tham gia mạng lưới taxi điện của Xanh SM.
Theo anh Dinh, thời gian đầu quyết định chạy taxi, anh phân vân giữa xe điện và xe xăng, sau đó đã lựa chọn xe điện bởi chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp, lại giúp bảo vệ môi trường, khoang xe không có mùi, không gây tiếng ồn nên được hành khách đánh giá cao.
Tuy nhiên, quá trình vận hành vẫn còn một số khó khăn khi trạm sạc hạn chế, ngày nắng nóng xe dễ bị nóng động cơ dẫn đến xuất hiện lỗi về pin và điều hoà. Để khắc phục, anh đã tìm hiểu và lựa chọn được các điểm sạc gần vị trí xe di chuyển, ưu tiên tại các trung tâm thương mại để vừa sạc vừa tranh thủ nghỉ trưa, ăn uống. Tắt máy chờ động cơ nguội, xe hết báo lỗi thì tiếp tục khởi động để chạy và cập nhật liên tục các phần mềm từ nhà sản xuất. Đến thời điểm này, anh Dinh đã khá hài lòng khi lựa chọn một chiếc xe điện để chạy taxi.
"Về thu nhập, khi sử dụng xe điện mang lại doanh thu cao hơn bởi các chi phí bảo dưỡng, vận hành xe giảm nhiều, chưa kể, hành khách ưa chuộng bởi xe rộng rãi, sạch sẽ nên được đặt nhiều 'cuốc' hơn so với lúc chạy xe xăng", tài xế này chia sẻ.
>> GSM chính thức chiêu mộ đối tác tài xế tự doanh trên Xanh SM Platform