Việt Nam có 4 thị xã sẽ ‘cất cánh’ lên thành phố trong năm 2025
Trong năm 2025, nhiều thị xã trên cả nước sẽ trở thành thành phố.
Theo Quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều thị xã trên cả nước sẽ được nâng cấp lên thành phố vào năm 2025.
Thị xã Phú Mỹ
Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 1.987km2 là tỉnh nhỏ nhất vùng Đông Nam Bộ. Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển thành một trong những động lực quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ.
Ngày 24/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241 phê duyệt phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, trong đó thị xã Phú Mỹ được xếp hạng đô thị loại II và sẽ trở thành thành phố vào năm 2025.
Thị xã Phú Mỹ sẽ lên thành phố vào năm 2025. (Nguồn ảnh: UBND phường Tân Phước) |
Năm 2023, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo về đề án thành lập TP. Phú Mỹ và các phường trực thuộc.
Thị xã Phú Mỹ đã đạt 11/11 tiêu chuẩn để thành lập thành phố, trong đó ba xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên đều đạt đủ tiêu chuẩn để nâng cấp thành phường.
Tại kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, nghị quyết thành lập Thành phố Phú Mỹ đã được thông qua. TP. Phú Mỹ sẽ có tổng diện tích tự nhiên 333,02km2, dân số 195.591 người cùng 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Phú Mỹ được định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần, du lịch, và nông nghiệp công nghệ cao, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị xã An Nhơn
Bình Định là tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung. Tỉnh sở hữu đường bờ biển dài 134km và được đánh giá là một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Với diện tích tự nhiên 6.025km2 và vùng lãnh hải rộng 36.000km2, tỉnh này ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và phát triển đô thị.
Thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) cách TP. Quy Nhơn gần 20km về phía Tây Bắc được thành lập vào năm 2011 và hiện là đô thị loại III với 5 phường và 10 xã.
Cuối năm 2022, tỉnh Bình Định đã kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố trước năm 2025.
Để đạt mục tiêu này, thị xã An Nhơn đang điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2035 và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Địa phương dự kiến thành lập các phường mới dựa trên 6 xã hiện hữu, với đề án này sẽ được hoàn thiện và trình duyệt vào cuối năm 2023.
Thị xã An Nhơn sẽ lên thành phố trong năm 2025. (Nguồn ảnh: Báo Dân Việt) |
Thị xã An Nhơn hiện là đô thị vệ tinh của Thành phố Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thị xã có lợi thế về giao thông với Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) cũng đi qua địa bàn này.
>> Huyện sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam sắp có tuyến đường mới
Thị xã Kỳ Anh
Hà Tĩnh là tỉnh ven biển phía Bắc của vùng Bắc Trung Bộ. Năm 1976, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Thị xã Kỳ Anh sẽ lên thành phố vào năm 2025. (Nguồn ảnh: Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh) |
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Kỳ Anh dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có hai đô thị loại II (TP. Hà Tĩnh và TP. Kỳ Anh), hai đô thị loại III (thị xã Hồng Lĩnh và thị trấn Đức Thọ) cùng với 12 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V. Trong số này, 18 đô thị sẽ được quy hoạch mới.
Thị xã Kỳ Anh hiện đã hoàn thành 5/5 tiêu chí xây dựng thành phố với tổng số điểm đạt 88,12 (theo thang điểm từ 75 đến 100). Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố vào năm 2025, thị xã đang giải quyết một số vấn đề về diện tích đất tự nhiên và quy hoạch phân khu Kỳ Ninh và Kỳ Nam chưa hoàn thiện.
Thị xã Hoàng Mai
Nghệ An có diện tích 16.489,97km2, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Nghệ An có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện; với 460 xã, phường, thị trấn. Trong đó, TP. Vinh là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; 3 thị xã, gồm: Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hòa; 17 huyện, gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Thị xã Hoàng Mai sẽ lên thành phố vào năm 2025. (Nguồn ảnh: Báo Nghệ An) |
Trong Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị hóa lên 34-36% vào năm 2025 và khoảng 40-45% vào năm 2030.
Theo lộ trình, đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng địa giới hành chính của TP. Vinh với việc sáp nhập thị xã Cửa Lò và một số xã thuộc huyện Nghi Lộc nằm trong hành lang Vinh - Cửa Lò. Đồng thời, huyện Diễn Châu cũng sẽ được nâng cấp thành thị xã. Khi hoàn thành, Nghệ An sẽ có 4 đô thị lớn: TP. Vinh (đã mở rộng) là đô thị loại I; 2 thành phố/thị xã là đô thị loại III là TP. Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa; và 1 thị xã Diễn Châu là đô thị loại IV.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Nghệ An sẽ có khoảng 40-45 đô thị, trong đó có 5 đô thị lớn. Cụ thể, ngoài TP. Vinh, TP. Hoàng Mai thì thị xã Thái Hoà cũng sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh (là đô thị loại III), và 2 thị xã là đô thị loại IV - III là Diễn Châu và Đô Lương. Đến lúc này, toàn tỉnh Nghệ An dự kiến có khoảng 40-45 đô thị.