Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền
Một tỷ phú đang đặt vấn đề khai thác kho báu quý giá bị lãng quên trong nhiều năm này.
Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Trong cuộc gặp này, tỷ phú Trần Đình Long đã đề nghị Chính phủ cho phép khai thác mỏ quặng Quý Xa và Thạch Khê tránh lãng phí trong bối cảnh ngành thép vẫn phải chi ngoại tệ nhập khẩu.
Việc phát triển ngành thép nội địa sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
> > ‘Thủ phủ công nghiệp miền Bắc’ sắp có thêm khu công nghiệp 3.700 tỷ đồng quy mô hơn 350ha
![Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 1. Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 1.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-10-_a1zing2-1739206917743301624511.jpg)
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821ha, có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, thông tin từ báo VnExpress.
Trong khi đó, ước tính của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại. Đây là một khối lượng khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng, nhất là với yêu cầu chất lượng khắt khe và tiến độ thời gian chặt chẽ.
Với trữ lượng dồi dào của mỏ sắt Thạch Khê, việc Việt Nam có thể tự cung ứng và sản xuất thép là hoàn toàn có thể. Do đó, đề xuất của tỷ phú Trần Đình Long đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Hiện trạng của mỏ sắt Thạch Khê vẫn đang bỏ hoang, là nơi chăn thả trâu bò và nơi câu cá của người dân trong vùng. Xí nghiệp khai thác mỏ vẫn đóng kín, một số máy móc dùng khai thác dự án trước kia nay tập kết trong khuôn viên nhà điều hành, phơi mưa phơi nắng.
![Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 2. Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 2.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-10-_7zing1-173920771832042326649.jpg)
Dự án khai thác mỏ do CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) đầu tư đã được khởi công vào tháng 9/2009 với tổng vốn 14.500 tỷ đồng, dự kiến vòng đời khai thác hơn 50 năm. Giai đoạn 2008-2011, chủ đầu tư đã cho bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông do vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hệ lụy như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án vì cho rằng công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.
Theo thống kê, vốn đã đầu tư tại Dự án Mỏ sắt Thạch Khê là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó, vốn được góp bởi các doanh nghiệp nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng.
Khu vực mỏ có nhiều nhà cấp bốn của người dân trong diện giải tỏa nhưng chưa phá dỡ. Theo tính toán ban đầu, dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 5.000 hộ dân, phải di dời gần 4.000 hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới di dời hơn 100 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830ha. Dự án "đắp chiếu" nhiều năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.
![Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 3. Việt Nam có một 'kho báu' lớn nhất Đông Nam Á khai thác dở dang tại tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền - Ảnh 3.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-10-_mo-sat-thach-ke-ha-tinh-bo-hoang-1739206917951263745419.jpg)
Theo các chuyên gia, thành phần quặng sắt ở mỏ Thạch Khê đạt đến 65%, với trữ lượng lớn, nếu không khai thác là điều đáng tiếc. Nhưng cũng phải đảm bảo khai thác không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân trong vùng.
Ông Trần Văn Thụy, khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Thạch Khê là một trong những mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp gang thép của đất nước trong nhiều năm. Tuy nhiên Thạch Khê lại là một khu vực có điều kiện tự nhiên cực kỳ phức tạp, thời tiết khí hậu không ưu đãi, khoáng sản nằm sát biển, quặng phân bố sâu dưới mực nước biển, có lớp đất phủ mềm yếu, nhiều nước ngầm. Ngoài ra vị trí địa lý của mỏ quặng có nhiều lợi thế cho phát huy tiềm năng các giá trị cảnh quan, giá trị dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
"Đây là bài toán phức tạp cần có hướng đi phù hợp, giải quyết hài hòa phát triển kinh tế, bảo vệ cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái biển. Việc tạm dừng dự án là cần thiết cho đến khi có thuyết minh khoa học, minh bạch được công nghệ phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể", ông Trần Văn Thụy đánh giá.
Hà Tĩnh là một tỉnh nằm trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Tỉnh có đường bờ biển dài 137km từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến vùng biển Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) với tổng diện tích vùng biển 18.400km2, gấp 3 lần diện tích đất liền của tỉnh.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 13 đơn vị hành chính cấp quận huyện, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện.