Việt Nam có thể sớm có vắc xin ung thư trên công nghệ mRNA hiện đại hàng đầu thế giới
Mục tiêu trọng điểm của VNVC là nhanh chóng tiếp cận và đưa về Việt Nam loại vắc xin điều trị ung thư dựa trên công nghệ mRNA tiên tiến – một trong những thành tựu y học nổi bật hiện nay mà Nga đang sở hữu.
Chiều 10/5/2025 (theo giờ địa phương), tại Nga, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cùng các loại thuốc sinh học hiện đại.

Thỏa thuận đặt nền móng cho một mối quan hệ hợp tác sâu rộng về công nghệ sinh học, trong đó hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, đầu tư và thương mại hóa các sản phẩm vắc xin và thuốc sinh học có hàm lượng công nghệ cao. Mục tiêu trọng điểm của VNVC là nhanh chóng tiếp cận và đưa về Việt Nam loại vắc xin điều trị ung thư dựa trên công nghệ mRNA tiên tiến – một trong những thành tựu y học nổi bật hiện nay mà Nga đang sở hữu.
Ngoài thỏa thuận chính, VNVC còn ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya – đơn vị nghiên cứu y sinh học hàng đầu của Nga. Các chương trình nghiên cứu khoa học chung sẽ được khởi động trong thời gian ngắn sắp tới.
VNVC cũng chính thức hợp tác với Tập đoàn dược phẩm Binnopharm – một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Nga. Theo đó, các hoạt động trao đổi chuyên môn và chuyển giao công nghệ sẽ được triển khai giữa đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và bệnh viện hàng đầu Nga với các đơn vị tại Việt Nam. Trọng tâm là phát triển và sản xuất vắc xin mRNA tại Việt Nam.
Một điểm nhấn quan trọng của chương trình hợp tác là hướng tới xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin "khép kín toàn diện" ngay tại Việt Nam. Mô hình này sẽ giúp nội địa hóa việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các loại thuốc và vắc xin phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư – lĩnh vực có thế mạnh của Nga và Tập đoàn Binnopharm.
Theo nội dung thỏa thuận, các vắc xin mRNA do Nga phát triển sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn sớm tại Việt Nam, giúp người bệnh trong nước được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến ngay từ khi sản phẩm chưa chính thức thương mại hóa. Việc thực hiện thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam cũng góp phần đẩy nhanh quy trình cấp phép và lưu hành các loại thuốc sinh học và vắc xin công nghệ cao tại thị trường nội địa.

Ông Kirill Dmitriev – Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư quốc tế, kiêm Tổng Giám đốc RDIF – nhận định rằng, mối quan hệ hợp tác lần này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe đột phá giữa hai quốc gia.
Về phía Việt Nam, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNVC – nhấn mạnh đây là một cột mốc hợp tác lịch sử, mở ra khả năng tiếp cận sớm các loại vắc xin điều trị ung thư công nghệ mRNA của Nga. Không chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm và thương mại hóa, các sản phẩm vắc xin tiềm năng này có thể sẽ được sản xuất ngay tại nhà máy của VNVC ở Long An trong tương lai gần: "Hai bên sẽ trao đổi để mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận sớm với vắc xin ung thư công nghệ mRNA tiềm năng của Nga, không chỉ là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa sản phẩm mà còn có thể sản xuất ngay tại Nhà máy sản xuất vắc xin và sinh phẩm VNVC tại Long An", ông nói.
Trước đó, vào tháng 12/2024, Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang thuộc Bộ Y tế Nga công bố, nước này đang nghiên cứu phát triển vắc xin điều trị ung thư phổi tiềm năng, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến mRNA.
>>Nhóm bệnh nhân Việt uống thuốc thử nghiệm chữa ung thư có tín hiệu tích cực
Đi khám do đau bụng, đau đớn phát hiện ung thư di căn
Nhóm bệnh nhân Việt uống thuốc thử nghiệm chữa ung thư có tín hiệu tích cực