Việt Nam lọt top 7 thế giới về sản xuất cho Apple, cơ hội đến tay cần làm ngay những gì?

29-05-2023 07:46|Thuỷ Tiên

Việt Nam là quốc gia có số lượng cơ sở sản xuất cho Apple nhiều thứ 7 thế giới và thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.

Lọt top 7 cơ sở sản xuất lớn nhất của Apple trên toàn cầu, thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để phát triển thành “mỏ vàng” của Apple tại khu vực Đông Nam Á hay không?

Trong bối cảnh các nhà sản xuất đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gã khổng lồ Apple cũng đang mở rộng cơ sở cung cấp của mình tại hầu hết các quốc gia châu Á, theo DigiTimes.

Danh sách nhà cung cấp mới nhất của Apple cho thấy số lượng cơ sở/địa điểm sản xuất của 200 nhà cung cấp hàng đầu đã tăng vào năm 2022 tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Tuy nhiên, các cơ sở/địa điểm sản xuất ở Mỹ và Hàn Quốc đã giảm lần lượt từ 72 xuống 62 và 42 xuống 36.

Việt Nam lọt top 7 thế giới về sản xuất cho Apple, cơ hội đến tay cần làm ngay những gì?
Số lượng cơ sở sản xuất của đối tác Apple.

Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng cơ sở sản xuất tăng mạnh nhất.

Trong giai đoạn 2016-2022, số lượng cơ sở sản xuất cho Apple đặt tại Việt Nam tăng từ 16 lên 27, đứng thứ 7 thế giới và thứ 2 tại Đông Nam Á (chỉ xếp sau Thái Lan, nước hiện có 28 cơ sở sản xuất cho Apple). Theo sau là Malaysia (25 cơ sở), Singapore (21 cơ sở) và Philippines (19 cơ sở).

Hầu hết đối tác có nhà máy đặt tại Việt Nam là những tên tuổi quen thuộc, như Foxconn, Luxshare hay các doanh nghiệp cung ứng linh kiện như Samsung, Intel, LG.

Cùng với Việt Nam, Ấn Độ được xem là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Apple bởi nguồn nhân lực rẻ dồi dào, từ một nhà máy ban đầu năm 2016, hiện Apple đang đặt 14 cơ sở tại quốc gia Nam Á này. Nhà sản xuất iPhone cũng đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất qua Ấn Độ, đồng thời mở các cửa hàng Apple Store đầu tiên để thu hút người dùng và tăng sự hiện diện.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều đối tác Apple đặt nhà máy nhất trong năm 2022 với 276 cơ sở, tăng từ 262 cơ sở của năm 2021. Vị trí tiếp theo thuộc về Nhật Bản (124 cơ sở), Mỹ (62 cơ sở).

Lợi thế và thách thức của Việt Nam

Cùng với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam được dự đoán sẽ chiếm thị phần lớn hơn trong hoạt động sản xuất sản phẩm của Apple.

Theo các nhà phân tích của JP Morgan, gã khổng lồ công nghệ hiện đang chuẩn bị đưa Việt Nam và Ấn Độ trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu.

JPMorgan ước tính, Apple sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

“Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính”, theo báo cáo của JP Morgan.

Các công xưởng tại Việt Nam hiện sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu, có thể kể đến loạt thiết bị từ Samsung, Xiaomi, tai nghe AirPods của Apple.

Apple cũng đã lần đầu tiên mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam trong tháng này, nhằm cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cá nhân hóa cho khách hàng tương tự như các cửa hàng Apple Store trên toàn thế giới, cho thấy tham vọng tăng hiện tại một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Thế nhưng, dù mở rộng công xưởng cũng như tăng hiện diện ra nhiều khu vực trên thế giới, phần lớn đối tác sản xuất của Apple vẫn là các công ty của Đài Loan và Trung Quốc đại lục, như Foxconn, Luxshare, Pegatron.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các quốc gia khác như lượng nhân công có kỷ luật cao, giá rẻ và chính sách phát triển kinh tế tốt. Tuy vậy, nước ta cũng tồn tại nhiều trở ngại khác như lao động thiếu trình độ và thiếu trang thiết bị kỹ thuật.

Trên thực tế, trong các cơ sở sản xuất của Apple tại Việt Nam, vẫn chưa có một cơ sở nào của người Việt. "Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát huy tiềm năng của chính mình hay không, hay chỉ như một “nền tảng lắp ráp” được coi trọng chủ yếu nhờ lao động giá rẻ", Financial Times nhận định trong một bài viết cuối năm 2022.

Do đó, để biến bản thân trở thành “mỏ vàng” lớn của Apple, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện các ưu đãi đầu tư cũng như phát triển các chương trình đào tạo và cải thiện hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số của đất nước.

Cứ 5 chiếc điện thoại bán ra lại có 1 chiếc iPhone: Apple lớn thế nào?

Apple đến Việt Nam: Lộ diện một doanh nghiệp niêm yết đứng sau ví điện tử MoMo cho vay trả góp

Apple khai phá thị trường Việt Nam: Dấu chấm hết cho những chiếc iphone vênh giá hàng chục triệu đồng?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-lot-top-7-the-gioi-ve-san-xuat-cho-apple-co-hoi-den-tay-can-lam-ngay-nhung-gi-185155.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam lọt top 7 thế giới về sản xuất cho Apple, cơ hội đến tay cần làm ngay những gì?
POWERED BY ONECMS & INTECH