Thế giới

Cách 'vua xe điện' BYD tăng tốc vượt mặt Tesla

Tú Linh 17/07/2025 - 06:01

Giữa lúc Tesla chứng kiến doanh số suy giảm do thiếu mẫu xe mới và ảnh hưởng từ hoạt động chính trị của Elon Musk tại Mỹ, BYD đã vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Doanh thu năm 2024 của hãng lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.

Giữa năm 2022, khi Phó Chủ tịch BYD, ông Lian Yubo được hỏi so sánh công nghệ sản xuất của Trung Quốc với Tesla, ông thẳng thắn thừa nhận rằng Elon Musk là hình mẫu mà các hãng xe Trung Quốc cần học hỏi. “Tesla là một công ty cực kỳ thành công, bất kể hoàn cảnh nào. BYD tôn trọng Tesla và chúng tôi cũng ngưỡng mộ họ”, ông phát biểu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, khoảng cách công nghệ từng giúp Tesla vượt trội so với các đối thủ Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể. Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Tesla đang gặp khó khăn trong việc giữ vững vị thế. Doanh số của hãng đang giảm ở nhiều nước, còn kế hoạch phát triển xe tự lái hoàn toàn thì bị cản trở bởi các quy định pháp luật.

screenshot-2025-07-16-141913.png
Ảnh minh họa

Từng không coi BYD là đối thủ cạnh tranh, Elon Musk sau chuyến thăm nhà máy BYD ở Trung Quốc năm ngoái đã có cái nhìn khác hẳn. “Ông ấy đã thấy quy mô, chi phí và công nghệ của BYD. Ông tin rằng Trung Quốc đang thắng thế trong cuộc đua xe điện”, một cựu Giám đốc Tesla tiết lộ.

Giữa lúc Tesla chứng kiến doanh số suy giảm do thiếu mẫu xe mới và ảnh hưởng từ hoạt động chính trị của Musk tại Mỹ, BYD đã vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Doanh thu năm 2024 của hãng lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.

Ngày nay, cuộc đua công nghệ xe điện không chỉ là màn cạnh tranh giữa hai hãng xe hàng đầu thế giới mà còn là tâm điểm trong cuộc ganh đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. “Ở các nước phương Tây, Tesla vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện và công nghệ phần mềm điều khiển xe. Nhưng ở Trung Quốc thì khác. Nếu Tesla có lợi thế công nghệ, thì cũng không còn rõ ràng như trước”, chuyên gia phân tích Dan Levy từ Barclays nhận định.

Từ giá rẻ đến công nghệ cao

Trước đây, điểm mạnh lớn nhất của các hãng xe điện Trung Quốc so với Tesla là giá rẻ hơn. Nhưng vào tháng 2 năm nay, người sáng lập BYD, ông Wang Chuanfu đã ra mắt hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến mang tên “God’s Eye”, một bước đệm hướng tới xe tự hành hoàn toàn.

Chỉ một tháng sau, BYD lại gây chú ý khi giới thiệu hệ thống sạc pin mới, có thể bổ sung tới 470km quãng đường chỉ trong 5 phút – nhanh hơn đáng kể so với thời gian sạc của Tesla hiện nay.

Những đột phá công nghệ chóng mặt của BYD và các đối thủ Trung Quốc khiến các hãng xe truyền thống phương Tây hoảng loạn, buộc phải liên kết với các công ty Trung Quốc để học cách sản xuất xe nhanh hơn, rẻ hơn và tích hợp phần mềm tốt hơn.

screenshot-2025-07-16-141917.png
Xe điện được trưng bày tại một showroom của BYD ở Thượng Hải

Giáo sư Mark Greeven từ IMD Trung Quốc nhận định Elon Musk đã “sao nhãng” đúng lúc ông Wang mở rộng từ công nghệ pin sang phần mềm và chip. “Tesla đã bị tụt lại. Trong khi đó, BYD đã tranh thủ khoảng thời gian đó để đầu tư vào năng lực cốt lõi nhằm cạnh tranh dài hạn”.

Dù bị vượt mặt, Musk không có ý định buông xuôi. Tháng 5 vừa rồi, ông rút khỏi các vai trò tại Chính phủ Mỹ để tập trung phát triển các mảng tăng trưởng mới của Tesla: Xe tự hành, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ robotaxi và robot hình người Optimus.

Musk tin rằng các sản phẩm này sẽ giúp Tesla trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới – lên tới hàng chục nghìn tỷ USD. “Musk nghĩ: nếu xe không có khả năng tự lái, liệu các hãng xe còn tồn tại sau 10 năm nữa không?. Cuộc đua thương mại hóa xe điện sắp kết thúc, giờ Tesla phải thắng trong AI và tự hành”, một cựu Giám đốc Tesla nói.

Trong khi đó, ông Wang đã tận dụng đam mê với pin để bước chân vào ngành sản xuất ô tô từ đầu những năm 2000. Sau khi nhận vốn đầu tư từ Berkshire Hathaway của Warren Buffett năm 2008, ông dẫn dắt BYD tăng trưởng thần tốc.

Năm ngoái, BYD bán được 4,27 triệu xe – gần gấp 10 lần năm 2020. Trong đó có 1,76 triệu xe điện thuần (BEV). Cùng kỳ, Tesla bán 1,79 triệu xe, nhưng BYD được dự báo sẽ vượt mặt Tesla về doanh số toàn cầu trong năm 2025. Tại Trung Quốc, BYD chiếm 21% thị phần, trong khi Tesla chỉ còn 8%, theo công ty tư vấn Automobility (Thượng Hải).

Cơ sở hạ tầng là lợi thế

Sự vươn lên của BYD tượng trưng cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc – vốn từng phụ thuộc vào các đối tác ngoại như Volkswagen, Toyota và GM.

screenshot-2025-07-16-141920.png
Một tàu chở hàng của BYD cập cảng Itajái, bang Santa Catarina, Brazil

Tesla là hãng xe nước ngoài đầu tiên được phép sở hữu 100% công ty con tại Trung Quốc – một quyết định chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xe nội địa. Đổi lại, Tesla chấp nhận rủi ro bị sao chép công nghệ và phần cứng.

Thế nhưng các hãng xe Trung Quốc đã học hỏi và cải tiến nhanh đến mức vượt cả các đối thủ Âu, Mỹ, Nhật trong quá trình chuyển đổi sang xe điện, theo ông Mathew Vachaparampil – CEO Caresoft. “Các hãng phương Tây chê công nghệ Tesla không phù hợp, còn Trung Quốc thì học theo Elon Musk và cải tiến nhanh chóng”, ông nhận xét.

Một ví dụ là công nghệ “gigacasting” – đúc liền thân xe thay vì hàn các bộ phận rời – giúp giảm trọng lượng và chi phí nhân công. Tesla dùng kỹ thuật này cho Model Y tại Trung Quốc từ năm 2021. Nhưng đến năm 2023, hãng Xpeng đã phát triển công nghệ gigacasting nhẹ hơn và cứng hơn.

100 cải tiến

BYD đã áp dụng gần 100 cải tiến giúp tiết kiệm chi phí, và nếu Tesla làm theo, họ có thể tiết kiệm từ 350 đến 885 USD cho mỗi chiếc xe. Ngược lại, nếu BYD học theo công nghệ phanh và hệ thống làm mát của Tesla, họ cũng có thể giảm chi phí tới 1.860 USD cho mỗi xe.

Hệ sinh thái sản xuất chặt chẽ, chuỗi cung ứng nội địa mạnh và đội ngũ kỹ sư dồi dào giúp BYD có thể cắt giảm chi phí và duy trì chuỗi cung ứng linh hoạt, theo chuyên gia Lizzi Lee từ Asia Society.

Dù vậy, Tesla vẫn tin họ có lợi thế lớn ở các mảng như tự động hóa, cơ sở hạ tầng AI và lượng dữ liệu khổng lồ để huấn luyện thuật toán. “Mô phỏng phần cứng thì dễ, nhưng phần mềm của chúng tôi thì không thể sao chép được”, một người thân cận với Tesla cho biết.

Mục tiêu lớn của Musk là thương mại hóa dịch vụ robotaxi quy mô lớn – dù hiện tại Waymo của Google vẫn dẫn đầu. Dù vậy, Musk khẳng định Tesla sẽ có “99% thị phần” trong lĩnh vực này. Trong khi Tesla được định giá gần 1.000 tỷ USD, BYD – dù thành công vượt trội – chỉ ở mức 140 tỷ USD do vẫn bị coi là một công ty sản xuất phần cứng, chứ không phải công ty phần mềm.

Thách thức và cơ hội

Dù “God’s Eye” đánh dấu bước ngoặt cho BYD trong công nghệ tự lái, hiện hệ thống này mới chỉ hỗ trợ cơ bản như giữ làn và dẫn đường trên cao tốc. Tuy nhiên, BYD dự kiến tích hợp miễn phí cho hầu hết các mẫu xe – đe dọa mô hình thu phí phần mềm của Tesla.

Tính đến nay, BYD bán ra hơn 4,3 triệu xe mỗi năm – mỗi xe đều có thể thu thập dữ liệu để cải tiến thuật toán tự lái. Với quy mô khổng lồ này, BYD dễ dàng đàm phán giá chip Nvidia rẻ hơn và tích hợp tính năng cao cấp vào cả mẫu xe giá 9.600 USD.

Một thách thức lớn với Tesla là hạn chế của Trung Quốc về dữ liệu. FSD cần dữ liệu lái xe thực tế để huấn luyện AI, nhưng Trung Quốc không cho phép Tesla chuyển dữ liệu ra nước ngoài. “Ở Trung Quốc, Tesla phải dựa vào mô phỏng thay vì dữ liệu thực tế – một bất lợi lớn”, theo bà Duo Fu từ Rystad Energy.

Tuy nhiên, BYD cũng không tránh khỏi rủi ro – đặc biệt là phụ thuộc vào chip và phần mềm Mỹ. Hệ thống God’s Eye hiện vẫn sử dụng công nghệ từ các đối tác như Momenta (được GM đầu tư) và Nvidia. Tình hình địa chính trị có thể khiến bất kỳ kế hoạch nào dựa vào công nghệ Mỹ bị gián đoạn. Vì vậy, BYD đang đẩy mạnh phát triển chip trong nước, như của Horizon Robotics, để giảm chi phí và tăng tự chủ.

screenshot-2025-07-16-141924.png
Phó Chủ tịch điều hành BYD, bà Stella Li

Mặc dù chưa công bố kế hoạch phát triển dịch vụ robotaxi, các lãnh đạo BYD đã khẳng định công ty sẽ tự phát triển toàn bộ phần mềm và phần cứng cho xe tự hành. Và theo các nhà phân tích, BYD hoàn toàn có đủ quy mô để làm điều đó: Hơn 5 triệu xe mỗi năm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Phó Chủ tịch điều hành BYD – bà Stella Li – nhận định cạnh tranh với Tesla sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, giúp BYD trở nên mạnh mẽ hơn: “Trong tương lai, nếu bạn không sản xuất xe điện, không tích hợp trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự hành, bạn sẽ bị đào thải”.

Tham khảo FT

>> Vua xe điện BYD 'bẻ lái', thông báo tạm dừng một siêu dự án trước cơn bão thuế của ông Trump

BYD chơi lớn: Cam kết ‘bao trọn’ mọi rủi ro khi sử dụng tính năng đỗ xe tự động

Mexico chặn siêu nhà máy của 'vua xe điện' Trung Quốc BYD, ưu tiên đàm phán thuế với Mỹ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/cach-ong-vua-xe-dien-byd-tang-toc-vuot-mat-tesla-146905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cách 'vua xe điện' BYD tăng tốc vượt mặt Tesla
    POWERED BY ONECMS & INTECH