Việt Nam nghiên cứu triển khai 2 tuyến đường sắt 17,3 tỷ USD chạy xuyên biên giới Trung Quốc và Lào
Hai tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng trong việc kết nối chiến lược giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Mới đây, Tổ công công tác triển khai đầu tư tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào đã được thành lập với nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc thiết yếu, trọng điểm liên quan đến việc triển khai tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với 2 nước láng giềng.
Đây là hai tuyến đường sắt quan trọng. Tuyến kết nối với Trung Quốc có tổng vốn đầu tư 10-11 tỷ USD và với Lào có tổng vốn đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD. Trong đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được ưu tiên đầu tư với mục tiêu năm 2025 sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cố gắng khởi công vào năm 2027.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380km, khổ 1.435mm, trong đó đoạn Hà Nội-Hải Phòng đầu tư trước năm 2030, đoạn Hà Nội - Lào Cai đầu tư sau năm 2030.
Tuyến đường sắt này dự kiến đi qua 8 tỉnh, thành phố bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng hứa hẹn sẽ giúp cải thiện hệ thống giao thông quốc gia, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế khu vực.
Trước đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 864/QĐ-TTg, phê duyệt bổ sung 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông Vận tải. Số vốn này sẽ được sử dụng để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự kiến, việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn sẽ hoàn tất trước ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã chứng kiến lễ ký kết 14 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, bộ ngành và địa phương của hai quốc gia. Một trong số này là Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam liên quan đến quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cùng với sự nỗ lực của Việt Nam và sự giúp sức của Trung Quốc, dự án đường sắt này kỳ vọng sẽ là mạch máu kết nối chiến lược giữa hai quốc gia. Dự án sẽ rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, phát triển những ngành công nghiệp liên quan như cơ khí, vật liệu xây dựng,...
Tuyến đường sắt Việt Nam - Lào
Tuyến đường sắt kết nối với Lào cũng là một dự án quan trọng, mang đến những thuận lợi trong quá trình giao thương hàng hóa từ Việt Nam đến các nước láng giềng.
Tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) và Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chiều dài 554km với quy mô đường sắt khổ 1.435mm, có vận tốc đạt 150km/h. Tuyến đường sắt có 8 nhà ga, sử dụng công nghệ điện khí hóa tốc độ cao hoặc chạy bằng động cơ diezen. Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư là 6,3 tỷ USD.
Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các cơ chế để tiến hành chuyển giao công nghệ và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, tuân thủ chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị. Đặc biệt, đối với tuyến đường sắt kết nối với Lào, cần nhanh chóng tiến hành nghiên cứu và triển khai dự án một cách hiệu quả và kịp thời.
Dự án đường sắt Việt - Lào, cụ thể đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đã được Chính phủ phê duyệt, với lộ trình đầu tư dự kiến trước năm 2030.
Tuyến đường sắt này sẽ được kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn như: Đông Bắc Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là Châu Âu.
Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với Lào và các quốc gia trong khu vực, đồng thời nâng cao khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng, tăng cường giao lưu văn hóa và quảng bá du lịch một cách hiệu quả.