Việt Nam sắp có khu công nghiệp Net-zero đầu tiên
Tỉnh nằm ở Duyên hải Nam Trung Bộ đang nghiên cứu phát triển khu công nghiệp Net-zero đầu tiên của Việt Nam.
Hội thảo Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức nằm trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo đã bàn đến vấn đề định hướng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng xanh và tiên phong trong phát triển khu công nghiệp Net-zero đầu tiên của Việt Nam.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị. Tỉnh cũng xác định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Với định hướng này cùng tiềm lực sẵn có, tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt thực hiện mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tỉnh Ninh Thuận cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng và cơ hội lớn từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem như giải pháp công nghệ bền vững và cần thời gian, nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
Tại hội thảo, ông Đặng Hà Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí - Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>> Tỉnh hẹp nhất Việt Nam dự chi hơn 1.700 tỷ 'lên đời' sân bay, đón hàng triệu lượt khách mỗi năm
Quyết định có mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng...
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự mong muốn sẵn sàng hợp tác, hướng đến mục tiêu lớn này. Phía Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp khởi xướng tỉnh Ninh Thuận quy hoạch "hệ sinh thái công nghiệp net-zero" để triển khai Khu công nghiệp Net-zero đầu tiên và trở thành Trung tâm Năng lượng xanh của Việt Nam.
Trung Nam Group cũng cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển một số tổ hợp năng lượng xanh để sản xuất hydrogen và amoniac xanh tại Việt Nam. Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn chính để sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh. Dự kiến tập đoàn sẽ sản xuất 250.000 tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2030 và 2,5 triệu/năm tấn vào năm 2050. Với dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận và Trung Nam Group đã ký biên bản ghi nhớ dự án nghiên cứu, phát triển hydro xanh với vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.
Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2024, phê duyệt Chiến lược phát triển hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ mục tiêu đạt công suất sản xuất hydrogen khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và 10- 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
>> 'Điểm đen' trên tuyến quốc lộ nối đến Tây Nguyên sẽ được 'xóa sổ' trước mùa mưa năm nay