Việt Nam sắp có 'siêu nhà máy' 6.400 tỷ tại thành phố đông dân nhất, áp dụng công nghệ lõi tiên tiến hàng đầu thế giới
Dự án này mở ra những hướng đi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nhà máy nghìn tỷ đặc biệt tại TP.HCM
Ngày 20/7/2024, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 tại Củ Chi, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2025. Dự án này nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. TP.HCM phấn đấu đạt chỉ tiêu “Tỷ lệ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế ít nhất 80% đến năm 2025, hướng tới 100% vào năm 2030”. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 6.400 tỷ đồng.

Công trình do Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy làm chủ đầu tư, sau khi tiếp quản Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa – đơn vị thực hiện dự án ban đầu.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung xây dựng các hạng mục chính như phần móng và giằng móng cho tổ hợp công trình lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, nhà ăn và nhà nghỉ nhân viên. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được cấp phép và triển khai theo tiến độ xây dựng và hoàn tất thủ tục pháp lý.
Công suất xử lý của giai đoạn này dự kiến đạt từ 2.000 đến 2.600 tấn rác mỗi ngày đêm, sản sinh ra khoảng 60 MW điện mỗi ngày, tương đương sản lượng điện lên lưới khoảng 365 triệu kWh mỗi năm.
Chủ đầu tư cam kết xử lý nước thải phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy theo quy trình khép kín, tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc. Khí thải và tro tàn sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ được xử lý một cách triệt để, đảm bảo không gây mùi hôi hay ô nhiễm không khí.
Trong các giai đoạn tiếp theo, công suất đốt rác sẽ được nâng lên 6.000 và 8.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với mức phát điện 130 MW và 200 MW.

Hiện nay, TP.HCM phát sinh khoảng 9.800 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, con số này có thể lên đến 11.000 tấn trong những dịp lễ, Tết. Phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây nguy cơ ô nhiễm cho các khu dân cư, trong khi số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón và tái chế. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu đạt tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện ít nhất 80% vào năm 2025, và hướng tới 100% vào năm 2030.
Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến
Đốt rác phát điện là một công nghệ hiện đại mang lại lợi ích kép vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tạo ra điện năng. Công nghệ lõi mà BCG Energy sử dụng cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, một trong những công nghệ tiên tiến và hiệu quả nhất hiện nay. Công nghệ này đã được áp dụng tại rất nhiều nhà máy điện rác trên toàn cầu và là lựa chọn tối ưu đối với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, đặc biệt là khi phần lớn rác chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao và nhiệt trị thấp.

Tại những quốc gia có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như Nhật Bản, Đài Loan hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, các nhà máy điện rác sử dụng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll vẫn được triển khai ngay trong các thành phố đông đúc dân cư. Quy trình xử lý rác của các nhà máy này hoàn toàn khép kín, khí thải được xử lý an toàn và không gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí hay đời sống người dân.
Sau khi rác được xử lý bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, thể tích và khối lượng rác sẽ giảm đáng kể, nhiệt lượng sinh ra từ quá trình đốt sẽ được chuyển hóa thành điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt là chất thải không độc hại, có thể tái chế thành vật liệu xây dựng. Nước thải phát sinh trong quá trình vận hành sẽ được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc. Khí thải và tro bay sinh ra trong quá trình đốt được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn xử lý vượt trội so với yêu cầu của EURO 2010, đảm bảo không phát tán mùi hôi hay ô nhiễm không khí.
Hiện nay, trên toàn cầu có hơn 2.800 nhà máy đốt rác phát điện đang hoạt động, xử lý khoảng 576 triệu tấn rác mỗi năm. Dự báo đến năm 2033, con số này sẽ tăng lên khoảng 3.100 nhà máy, với công suất xử lý vượt 700 triệu tấn mỗi năm. Những nhà máy này chủ yếu tập trung tại các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu, nơi công nghệ xử lý rác thải tiên tiến được áp dụng rộng rãi.
Nhờ vào công nghệ hiện đại và sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia quốc tế, Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa không chỉ đơn thuần là nơi xử lý rác mà còn là một phần của xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện rác toàn cầu. Dự án này mở ra những hướng đi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
>>Hình ảnh nước hồ Thủy điện Hòa Bình xuống thấp, lộ nhiều đảo lớn, nhỏ