Việt Nam sắp có trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trung tâm sẽ tạo ra một thị trường tài chính phát triển toàn diện, góp phần huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho sự phát triển cả nước.
Mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về quá trình xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế và thảo luận sâu về bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước cũng như những yêu cầu và nhiệm vụ khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận rằng việc xây dựng Đề án này là một nhiệm vụ mới, phức tạp và chưa có tiền lệ.
Do đó, các bên cần có sự thảo luận kỹ lưỡng để chọn ra phương án tối ưu, nhằm cụ thể hóa và triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, bao gồm Nghị quyết Đại hội XIII.
>> Gói thầu thuộc tuyến đường hơn 4.800 tỷ, nối tới một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam gặp khó
Về phương pháp tiếp cận, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng năng lực nội sinh, phát huy những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là ở TP. HCM và Đà Nẵng. Thủ tướng yêu cầu triển khai từng bước cẩn trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng dần, tránh nóng vội.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính là tạo ra một thị trường tài chính phát triển toàn diện, góp phần huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho sự phát triển của cả TP. HCM, Đà Nẵng và đất nước.
Về phạm vi, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung nghiên cứu, khoanh vùng những thế mạnh của Việt Nam, từ đó đề ra các cơ chế, chính sách quản lý hiện đại, hiệu quả. Đối tượng trọng tâm sẽ là các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, các dịch vụ đi kèm và thị trường vốn.
Về mô hình phát triển, Thủ tướng đề nghị tham khảo kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính trên thế giới, kết hợp các yếu tố phù hợp với điều kiện hiện tại và tương lai của Việt Nam, để phát triển mô hình riêng cho quốc gia.
Đề án cũng cần làm rõ các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính và hệ sinh thái; đồng thời đề xuất cấu trúc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù và đột phá, bao gồm các chính sách về visa, lao động, thuế, nhân lực chất lượng cao... nhằm thu hút mọi nguồn lực tài chính, đặc biệt là cho các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp hình thành một thị trường tài chính an toàn, bền vững và hội nhập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành liên quan, cùng TP. HCM và Đà Nẵng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm tài chính, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn để trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
>> Khu vực được ví như 'tuyến phố kim cương' của Thủ đô Hà Nội: Giá nhà chạm ngưỡng gần 3 tỷ đồng/m2
TP. HCM cấm phương tiện lưu thông trên các tuyến đường lớn tại trung tâm trong 2 ngày sắp tới
Loạt nhà tập thể giữa trung tâm Đà Nẵng, dân vừa ở vừa lo sợ