Việt Nam sẽ cần 1 triệu tỷ đồng vốn tín dụng nhà ở mỗi năm

11-05-2022 17:39|Mai Hương

Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn cho nhà ở. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng.

Tại Tọa đàm Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động diễn ra vào ngày 11/5/2022, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở.

Theo nghiên cứu của ông, các phân khúc nhà ở hiện thiếu nguồn cung, cả về khía cạnh xây dựng lẫn thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng.

Bất động sản là kênh có đóng góp đến 14% GDP cho nền kinh tế hiện nay. Việc siết tín dụng vào bất động sản trong thời gian gần đây là điều nên làm, nhưng trong dài hạn, quá trình này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu vốn bởi tác động kép từ dịch COVID-19.

Do đó, TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiểm soát rủi ro dòng vốn đổ vào bất động sản. "Cơ quan quản lý cần nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, đồng thời chú trọng điều tiết cung – cầu", ông nói.

Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dự kiến dành khoảng 110.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bất động sản để phục hồi; 113.550 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng; 60.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 48.500 tỷ đồng cho an sinh xã hội.

Nhờ sự hỗ trợ này, nguồn vốn tín dụng bất động sản sau quý I/2022 tăng khoảng 2,4% so với đầu năm; hơn 3.600 doanh nghiệp được thành lập mới; lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tiếp đà tăng sau một thời gian chững lại.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực nhận định, nguồn vốn dành cho bất động sản cần những "cú hích" mạnh hơn, nhằm đảm bảo tính thanh khoản thị trường bất động sản, cũng như kiểm soát, giảm nợ xấu.

Chính vì vậy, ông đưa ra một số giải pháp như: Xây dựng cơ chế đánh giá, xếp hạng tín nhiệm; phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp; cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt; và có lộ trình đánh thuế bất động sản cụ thể, chi tiết.

Về phía doanh nghiệp, ông Lực lưu ý việc linh hoạt trong huy động vốn từ các kênh khác nhau như: Phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu quỹ, trái phiếu công trình... Tất cả nhằm hướng tới sự minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán.

Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch các gói tín dụng nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng: Không có dự án nhà ở xã hội nào hoàn thành trong quý III trên cả nước

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-se-can-1-trieu-ty-dong-von-tin-dung-nha-o-moi-nam-126107.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sẽ cần 1 triệu tỷ đồng vốn tín dụng nhà ở mỗi năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH