VietABank (VAB): 'Phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng nhìn từ việc chuyển nhượng bất động sản gán nợ

22-05-2024 08:51|Hồ Nga

Trong khoản tiền phải thu bên ngoài của VietABank (VAB), chiếm phần lớn là tiền phải thu từ chuyển nhượng bất động sản được gán nợ.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - mã chứng khoán VAB) vừa thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu VAB niêm yết tại HNX hoặc HoSE. Hiện tại, VAB đang giao dịch trên sàn UPCoM. Cùng với đó, VietABank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Những động thái này của VietABank khiến những người quan tâm một lần nữa nhìn lại ngân hàng này - ngân hàng gắn liền với tên tuổi ông Phương Hữu Việt và hệ sinh thái Việt Phương.

VietABank thành lập tháng 6/2003, do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 9/2021, ông Phương Hữu Việt rút lui, vị trí Chủ tịch HĐQT do một người họ Phương khác – ông Phương Thành Long, đảm nhiệm. Ông Phương Thành Long chính là con trai ông Phương Hữu Lĩnh – anh trai ông Phương Hữu Việt.

>> Lộ diện những khoản thế chấp kỳ lạ của 'hệ sinh thái' Việt Phương Group

VietABank và dòng tiền 3.800 tỷ đồng "phải thu bên ngoài"

Về tình hình kinh doanh, năm 2023 VietABank báo lãi sau thuế 744 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 69.059 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,53% đầu năm lên 1,59%, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 503 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 574 tỷ đồng và nợ nghi ngờ hơn 21 tỷ đồng.

Kỳ lạ VietABank (VAB) và khoản tiền 'phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng

>> Một ngân hàng bất ngờ báo nợ xấu tăng 73%, lợi nhuận giật lùi 16%

Tính đến cuối năm 2023, tổng các khoản phải thu bên ngoài của VietABank đạt xấp xỉ 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số các khoản này, chi tiết nhiều khoản khá bất ngờ.

- Khoản phải thu chờ xử lý liên quan đến sự vụ tại phòng giao dịch Đông Đô 232 tỷ đồng. Liên quan nhóm khách của hoạt động tín dụng này, công ty đã chuyển trạng thái thành “phải thu” chờ phán quyết của Tòa án.

- Tiền đặt cọc mua bất động sản hơn 142 tỷ đồng. Khoản này đã được ngân hàng trích lập dự phòng.

- Đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư 1.300 tỷ đồng. Theo hợp đồng này, đối tác sẽ giới thiệu, tìm kiếm và tư vấn để thực hiện mua giấy tờ có giá trị trên thị trường theo quy định; đây là các khoản tiền chứng minh tài chính được chuyển khoản vào tài khoản phong tỏa.

- Loạt khoản phải thu trước đó với CTCP Tập đoàn đầu tư SV (72 tỷ đồng); CTCP LEC Group (347 tỷ đồng)… đã được tất toán vào cuối năm. LEC Group là doanh nghiệp do Capella Group (hệ sinh thái Việt Phương) góp 50%.

- Phải thu của CTCP Đầu tư Infinity Group về các khoản bán tài sản gán nợ 738 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu liên quan việc ngân hàng chuyển nhượng bất động sản đã nắm giữ cho Infinity Group thông qua công tác xử lý nợ. Đáng chú ý, Infinity Group cũng gắn liền với một doanh nhận họ Phương và từng do ông Đào Ngọc Thanh làm Tổng Giám đốc.

- Phần phải thu của ông Nguyễn Minh Trọng liên quan đến các khoản bán nợ trả chậm, 40 tỷ đồng. Trên thực tế giao dịch mua bán nợ giữa VietABank với ông Nguyễn Minh Trọng có giá trị đến 486 tỷ đồng; khách đã thanh toán hơn 446 tỷ đồng và còn nợ hơn 60 tỷ đồng tính cả phí chậm trả.

Kỳ lạ VietABank (VAB) và khoản tiền 'phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng

>> Vụ án 443 tỷ đồng: 'Siêu lừa' Hà Thành xin dùng 7,3 triệu cổ phiếu MHD 'gán nợ' cho VietABank

Vấn đề "nổi cộm" của VietABank là việc xử lý tài sản gán nợ, xuất hiện khoản phải thu bên ngoài khác với Infinity Group và một cá nhân là ông Nguyễn Minh Trọng. Tổng giá trị các giao dịch này hơn 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo ghi nhận thời điểm đầu năm 2023, tổng giá trị tài sản khác đạt hơn 1.600 tỷ đồng và nhà băng đã xử lý loạt tài sản nhận gán nợ trị giá 1.451 tỷ đồng (trong đó hơn 1.100 tỷ đồng là gán nợ bất động sản, 296 tỷ đồng là cổ phiếu niêm yết).

Trong số các bên mua tài sản gán nợ của VietABank có Infinity Group, đây là doanh nghiệp trong hệ sinh thái Việt Phương, gắn liền với một doanh nhân họ Phương. Cụ thể, CTCP Đầu tư Infinity thành lập tháng 11/2016, ban đầu do ông Ngô Tấn Dũng là Chủ tịch HĐQT. Tháng 8/2017, ông Đào Ngọc Thanh một lần nữa xuất hiện trong hệ sinh thái Việt Phương, giữ vị trí Tổng Giám đốc. Đến tháng 5/2018, ông Phương Xuân Thụy lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Tháng 11/2021, công ty tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Loạt các giao dịch thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

VietABank cũng là một trong số các ngân hàng cho vay dự án hình thành trong tương lai rất nhiều. Những giao dịch đảm bảo tại VietABank khiến các nhà đầu tư chú ý. Ví dụ, CTCP Đô thị Phúc Tiến - chủ đầu tư dự án khu đô thị Phúc Tiến - doanh nghiệp vừa thành lập tháng 4/2022 với vốn điều lệ 16,8 tỷ đồng. Còn dự án khu đô thị Phúc Tiến có tổng mức đầu tư 546 tỷ đồng.

Đô thị Phúc Tiến lập ra để làm chủ đầu tư dự án khu đô thị Phúc Tiến. Chỉ vừa được chấp thuận đầu tư vài tuần, Phúc Tiến đã 2 lần, chỉ cách nhau khoảng 1 tuần, mang tài sản giống nhau là “toàn bộ các quyền tài sản của bên đảm bảo với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án khu đô thị Phúc Tiến” thế chấp tại VietABank chi nhánh Hà Nội.

Phúc Tiến là "đứa con chung" của liên doanh CTCP Xây dựng Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong Conic (20%) và CTCP Đầu tư Sài Gòn Hà Nội (79%); 1% còn lại thuộc về ông Trần Minh Hiếu.

Trong khi Phúc Tiến mang quyền tài sản của dự án vừa được chấp thuận đầu tư đi thế chấp thì Lĩnh Phong Conic cũng lại mang 3,36 triệu cổ phần tại công ty Phúc Tiến đi thế chấp tại VietABank.

Lĩnh Phong Conic cũng là doanh nghiệp "quen mặt", thường xuyên có giao dịch thế chấp tại VietABank. Ví dụ, tháng 12/2021, công ty mang thế chấp quyền tài sản với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ dự án cửa hàng thương mại dịch vụ tại lô Bu - đất công trình công cộng và dân cư 13B xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM - Khu đô thị mới Nam Thành Phố và “Trung tâm dịch vụ thương mại” tại lô Bm – đất công trình công cộng và dân cư 13B xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM - Khu đô thị mới Nam Thành phố. Đây là các dự án hình thành trong tương lai. Giá trị khoản vay đến 445 tỷ đồng.

Tháng 1/2022, một dự án hình thành trong tương lai khác cũng được thế chấp tại VietABank.

Tháng 8/2022, Lĩnh Phong Conic mang toàn bộ quyền đòi nợ, các lợi ích khác phát sinh từ các hợp đồng với PVANC có nghĩa vụ thanh toán trong tương lai liên quan gói thầu thi công hoàn thiện bàn giao khối căn hộ PA Tower. Giá trị khoản vay hơn 237 tỷ đồng.

Còn CTCP Đầu tư Sài Gòn Hà Nội cũng thường xuyên giao dịch thế chấp tại VietABank. Tháng 12/2015, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng và chung cư cao cấp tại 105 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội được đảm bảo cho khoản vay đến 855 tỷ đồng...

Kỳ lạ VietABank (VAB) và khoản tiền 'phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng

Báo cáo tài chính năm 2023 ghi nhận, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản, giá trị nhận thế chấp, cầm cố... của VietABank lên đến 212.272 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó, riêng giá trị bất động sản cầm cố đã hơn 189.349 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị tài sản cầm cố, thế chấp gần gấp đôi tổng tài sản của ngân hàng (112.196 tỷ đồng).

>> Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay doanh nghiệp sân sau

Lộ diện những khoản thế chấp kỳ lạ của 'hệ sinh thái' Việt Phương Group

Vụ án 443 tỷ đồng: 'Siêu lừa' Hà Thành xin dùng 7,3 triệu cổ phiếu MHD 'gán nợ' cho VietABank

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ky-la-vietabank-vab-va-khoan-tien-phai-thu-ben-ngoai-3800-ty-dong-235656.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VietABank (VAB): 'Phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng nhìn từ việc chuyển nhượng bất động sản gán nợ
    POWERED BY ONECMS & INTECH