Doanh nghiệp

Lộ diện những khoản thế chấp kỳ lạ của 'hệ sinh thái' Việt Phương Group

Hồ Nga 17/05/2024 08:33

Nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Việt Phương có những giao dịch thế chấp tài sản tại Việt Á Bank (VAB) và MBB.

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - mã chứng khoán VAB) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, trong đó đáng chú ý là việc chuyển niêm yết lên HNX hoặc HoSE tùy điều kiện thị trường.

Việc Việt Á Bank muốn chuyển từ Upcom lên niêm yết lại khiến nhiều nhà đầu tư chú ý đến ngân hàng này. Cùng với đó là "mối liên quan" giữa hệ sinh thái Việt Phương Group và VietABank một lần nữa được nhắc tới.

VietABank thành lập tháng 6/2003, do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ ban đầu 3.098 tỷ đồng. Tháng 9/2021 ông Phương Hữu Việt rút lui, vị trí Chủ tịch HĐQT do một người họ Phương khác – ông Phương Thành Long, đảm nhiệm. Ông Phương Thành Long chính là con trai ông Phương Hữu Lĩnh – anh trai ông Phương Hữu Việt.

Ông Phương Hữu Việt được biết đến với hệ sinh thái Việt Phương Group gồm những "hạt nhân" cốt lõi có thể đến như CTCP Sơn Trà (chủ đầu tư dự án đình đám tại Sơn Trà); Công ty TNHH Capella Group, CTCP Đầu tư Việt Phương...

Tháng 8/2018, khi chưa tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của VietABank, ông Phương Hữu Lĩnh cùng vợ là bà Lương Thị Linh đã hai lần đưa 262.500 cổ phần của CTCP Ngọn Hải Đăng thế chấp tại VietABank vào các ngày 22/8 và 30/8.

Hữu Việt

>> Một ngân hàng bất ngờ báo nợ xấu tăng 73%, lợi nhuận giật lùi 16%

Lộ diện những giao dịch thế chấp tại VietABank và MBB

CTCP Sơn Trà, một trong những "hạt nhân" trong hệ sinh thái Việt Phương, thành lập tháng 8/2003, ban đầu do ông Phương Hữu Lĩnh làm Tổng Giám đốc. Địa chỉ trụ sở chính tại Bãi Nam – Bãi Con, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Tháng 3/2017, công ty cập nhật thông tin do ông Đào Ngọc Thanh làm Tổng Giám đốc. Ông Phương Hữu Việt là Chủ tịch HĐQT. Trong HĐQT doanh nghiệp còn có bà Phương Minh Huệ. Còn doanh nhân Đào Ngọc Thanh được nhắc tới trong giới bất động sản khi gắn liền với khu đô thị Ecopark - một biểu tượng bất động sản của miền Bắc.

Tháng 9/2018, công ty cập nhật thông tin, bà Phương Minh Huệ lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT còn có bà Đỗ Thị Ngọc Hà (cùng địa chỉ với bà Phương Minh Huệ) và ông Phương Minh Luận.

Tháng 4/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng.

CTCP Sơn Trà được biết đến là chủ đầu tư dự án Sơn Trà Resort & Spa tại Bãi Nam - Bãi Con, phường Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng - dự án được Việt Phương Group giới thiệu có quy mô 14,1ha, là tổ hợp khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao gồm 500 phòng.

CTCP Sơn Trà từ tháng 4/2019 đã ghi nhận có giao dịch thế chấp tại ngân hàng Việt Á chi nhánh Đà Nẵng. Tài sản thế chấp là toàn bộ các quyền tài sản với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án “Giai đoạn II - Tổ hợp du lịch quốc tế cao cấp 5 sao Sơn Trà Resort & Spa” tại Bãi Nam – Bãi Con, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

>> Vụ án 443 tỷ đồng: 'Siêu lừa' Hà Thành xin dùng 7,3 triệu cổ phiếu MHD 'gán nợ' cho VietABank

Thời gian sau đó, Sơn Trà còn có nhiều giao dịch thế chấp khác cũng tại các chi nhánh của VietABank, trong đó đáng chú ý, các tài sản thế chấp đều ghi nhận là "toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án Sơn Trà Resort & Spa" nói trên.

Ví dụ, mới đây, ngày 12/3/2024, giao dịch thế chấp tài sản tại VietABank chi nhánh Đà Nẵng, tài sản đảm bảo là "toàn bộ quyền tài sản..." như trên. Giá trị khoản vay 700 tỷ đồng.

Tiếp đó khoảng 1 tuần, ngày 19/3, Sơn Trà lại có giao dịch thế chấp tại VietABank chi nhánh Phan Thiết, tài sản đảm bảo cũng được ghi là "toàn bộ quyền tài sản..." như trên, cho khoản vay trị giá 750 tỷ đồng.

Cùng với đó, "Tên quyền" được định nghĩa rõ, là toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Giai đoạn II - Tổ hợp du lịch quốc tế 5 sao Sơn Trà resort & spa” Bãi Nam – Bãi Con, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Dự án), bao gồm: Quyền khai thác, quản lý Dự án; các khoản tiền, các khoản lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất và hạ tầng dự án; các khoản tiền, các khoản tiền từ bảo hiểm, các khoản phải thu, các khoản phí mà khách hàng thu được trong quá trình đầu tư kinh doanh, triển khai dự án.

Hữu Việt
Sơn Trà Resort

CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương thành lập tháng 3/2007, do bà Phương Minh Huệ làm Tổng Giám đốc. Tháng 12/2019 công ty tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, và liên tục tăng vốn. Mới đây nhất, tháng 12/2022 công ty tăng vốn lên thành 6.800 tỷ đồng.

Tập đoàn đầu tư Việt Phương cũng có khá nhiều giao dịch thế chấp, trong đó ghi nhận năm 2014 từng mang 2,1 triệu cổ phiếu DXG của Địa ốc Đất Xanh đi thế chấp tại VietABank.

>> Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay doanh nghiệp sân sau

Đáng chú ý, tháng 5/2020, Tập đoàn đầu tư Việt Phương đã mang quyền khai thác khoáng sản tại mỏ có diện tích 406,36ha trong 6 khu mỏ tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đi thế chấp. Giao dịch này được thực hiện tại Ngân hàng TMCP Quân đội MB (MBB) chi nhánh Huế.

Tháng 10/2023, Đầu tư Việt Phương lại mang toàn bộ phần vốn góp trị giá hơn 268,5 tỷ đồng tại Công ty TNHH Premium Silica Huế, thế chấp tại MBB. Giá trị khoản vay bằng giá trị vốn góp, hơn 268,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, đầu năm 2023, Đầu tư Việt Phương còn mang loạt ô tô, máy xúc đào bánh xích đi thế chấp tại ngân hàng MBB cho các khoản vay.

Hữu Việt
Mỏ bauxite

Hệ sinh thái Việt Phương Group còn gì?

Một trong những nhân tố "lõi" khác trong hệ sinh thái Việt Phương là CTCP Capella Group. Capella Group tiền thân là Công ty TNHH Capella Group, thành lập tháng 7/2015 do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐTV, sở hữu 99% vốn; ông Nguyễn Vĩnh Huy sở hữu 1% còn lại. Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Tháng 4/2018 ông Phương Hữu Việt rút lui, ông Nguyễn Vĩnh Huy lên làm Chủ tịch, đồng thời đứng tên sở hữu 98% vốn cổ phần; 2% còn lại thuộc về bà Nguyễn Thu Hằng.

Bà Thu Hằng sau đó tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐTV từ tháng 7/2019; 98% vốn điều lệ từ ông Nguyễn Vĩnh Huy chuyển sang ông Nguyễn Văn Trọng. Tháng 4/2021, cơ cấu cổ đông lại thay đổi, ông Phương Minh Tuấn nắm 60% và bà Nguyễn Thu Hằng sở hữu 40%.

Gần đây nhất, tháng 1/2022 công ty tăng vốn lên 3.600 tỷ đồng, ông Phương Minh Tuấn giảm sở hữu xuống còn 30; bằng với bà Thu Hằng; thêm bà Phương Thùy Liên (chị gái ông Phương Thành Long) nắm 40%.

Capella Group là doanh nghiệp sở hữu 50% vốn cổ phần tại CTCP LEC Group. LEC Group thành lập tháng 11/2018, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông, ngoài Công ty TNHH Capella Group sở hữu 50%; còn có CTCP OTE Group sở hữu 35% và Công ty TNHH Đầu tư VNC sở hữu 15%. Công ty do ông Trần Đức Tuân là người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc.

LEC Group liên tục thay đổi Tổng Giám đốc; lần gần đây nhất, tháng 4/2024, ông Lê Hoàng Sơn là TGĐ và cập nhật thông tin ông Trần Đức Tuân là Chủ tịch HĐQT.

Công ty TNHH Premium Silica Huế, đơn vị mà Đầu tư Việt Phương mang phần vốn góp đi thế chấp tại MBB, thành lập tháng 9/2018, do ông Hans Jurgen Schmidt làm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 117,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương góp 50% và Công ty TNHH Quarzwerke (địa chỉ tại Đức) nắm 50%. Tháng 3/2019 công ty tăng vốn điều lệ lên hơn 268,5 tỷ đồng.

Tháng 7/2019 công ty cập nhật thông tin, chủ doanh nghiệp là CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương, mà bà Phương Minh Huệ là người đại diện ủy quyền của 100% vốn cổ phần. Đồng thời bà Phương Minh Huệ lên làm Chủ tịch HĐQT công ty.

Premium Silica Huế là đơn vị thực hiện nhà máy chế biến Thạch anh ít sắt chất lượng cao – HPS – Huế.

Hữu Việt
Nhà máy chế biến Thạch anh ít sắt chất lượng cao – HPS – Huế

Hệ sinh thái Việt Phương còn nhiều doanh nghiệp do các doanh nhân họ Phương "đứng tên". Điển hình, trong mảng khoáng sản có Công ty TNHH MTV Khoáng sản Việt Phương Huế. Công ty thành lập tháng 4/2011, do ông Đặng Anh Chung làm Chủ tịch HĐTV.

Tháng 4/2020, bà Phương Minh Huệ lên thế chân, làm Chủ tịch. Tháng 12/2021 công ty đổi tên thành CTCP VP Silica, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. VP Silica do Tập đoàn đầu tư Việt Phương sở hữu 66%, ông Nguyễn Đình Hùng sở hữu 30%, còn lại là ông Nguyễn Anh Quân sở hữu 4%. Tháng 12/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Infinity cũng gắn liền với doanh nhân "họ Phương", thành lập tháng 11/2016, ban đầu do ông Ngô Tấn Dũng là Chủ tịch HĐQT. Tháng 8/2017 ông Đào Ngọc Thanh một lần nữa xuất hiện trong hệ sinh thái Việt Phương, giữ vị trí Tổng Giám đốc. Đến tháng 5/2018 ông Phương Xuân Thụy lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Tháng 11/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

>> VietABank miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo ngân hàng đồng loạt 'mất ghế' trước thềm ĐHĐCĐ

Vụ dự án Aqua City: Thành phố Aqua đang ‘gánh’ nợ phải trả gấp 10 lần vốn chủ, lộ loạt thế chấp tại MBB

Lộ diện 2 ngân hàng đang ‘ôm’ 367 triệu cổ phần Bamboo Airways do một 'đại gia' thế chấp

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-dien-nhung-khoan-the-chap-ky-la-cua-he-sinh-thai-viet-phuong-group-234658.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện những khoản thế chấp kỳ lạ của 'hệ sinh thái' Việt Phương Group
    POWERED BY ONECMS & INTECH