Viettel báo lãi 51.000 tỷ đồng cao nhất lịch sử, giữ 'ngôi vương' thị phần tại 7 thị trường quốc tế
Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước 44.300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên cũng tăng 6% so với năm trước.
Ngày 3/1, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức Hội nghị quân chính, tổng kết năm 2024 với những thành tựu vượt trội trong nhiều lĩnh vực.
Doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục
Năm 2024, Viettel ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 190.000 tỷ đồng, vượt 103% kế hoạch đề ra và tăng trưởng 10,3% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong ngành viễn thông. Lợi nhuận trước thuế đạt 51.000 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch với mức tăng trưởng 11,3%, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của tập đoàn. Đồng thời, Viettel cho biết đã nộp ngân sách Nhà nước 44.300 tỷ đồng, tăng 17%.
Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên theo đó cũng tăng 6% so với năm trước.Động lực tăng trưởng của Viettel đến từ việc tập trung đẩy mạnh hoạt động viễn thông trong nước, đồng thời phát triển kinh doanh quốc tế và các lĩnh vực công nghệ cao như AI, an ninh mạng, điện toán đám mây và logistics.
Viettel ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2024 |
>> Vì sao gần 6.000 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel, F88 được hoạt động như 'cây ATM'?
Thiết lập nhiều thành tựu ấn tượng
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, Viettel còn ghi dấu ấn mạnh mẽ khi chuyển đổi thành công 6,5 triệu thuê bao 2G lên 4G trong vòng 10 tháng, tốc độ nhanh gấp ba lần so với nhiều nhà mạng quốc tế. Tập đoàn cũng lắp đặt thêm hơn 6.000 trạm BTS, giúp vùng phủ 4G tương đương 2G, đảm bảo kết nối ổn định cho toàn dân.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại Hội nghị. |
Tại thị trường nước ngoài, Movitel – mạng viễn thông tại Mozambique đã vươn lên vị trí số 1, giúp Viettel giữ vững vị trí số 1 thị phần tại 7 thị trường quốc tế. Đây là năm thứ 8 liên tiếp khối thị trường nước ngoài của Viettel ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, cao gấp 7 lần trung bình thế giới.
Trong năm 2024, Viettel cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc – trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Hiện nay, Viettel vận hành 14 trung tâm dữ liệu với 230.000 máy chủ, 81.000m2 mặt sàn, 11.500 rack và 87MW điện, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây.
Viettel cũng tiên phong trong phát triển mạng 5G với độ phủ lớn nhất Việt Nam, đạt 95% thủ phủ các tỉnh/thành phố. Tập đoàn thuộc top 5% nhà mạng toàn cầu có kiến trúc 5G hiện đại nhất và đặt mục tiêu phát triển thêm 12.000 trạm 5G trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Viettel còn đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển ADC kết nối Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, sở hữu dung lượng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn cũng có kế hoạch mở thêm tuyến cáp quang biển Việt Nam – Singapore nhằm củng cố hạ tầng kết nối quốc tế.
Trong lĩnh vực logistics, Viettel giữ vai trò chủ lực phát triển hạ tầng logistics quốc gia, ứng dụng công nghệ tự động hóa và tối ưu quy trình. Tập đoàn cũng xúc tiến đầu tư logistics tại Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan, góp phần thúc đẩy thương mại trong khu vực.
>> Công viên logistics lớn nhất Việt Nam có thể 'bỏ túi' hơn 500 tỷ đồng vào năm sau
Vì sao gần 6.000 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel, F88 được hoạt động như 'cây ATM'?
Viettel đề xuất cơ chế đặc biệt mua bí mật công nghệ cao