Viettel sắp khai trương Công viên Logistics tại khu kinh tế cửa khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam
Dự án Công viên Logistics Viettel có quy mô 143,7ha với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.
Theo báo Kinh tế và Đô thị, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để thảo luận và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn. Dự án có quy mô 143,7ha với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, dự kiến khai trương vào ngày 11/12/2024.
Viettel xây dựng Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn. Ảnh minh họa |
Dự án được phát triển trên nền tảng hạ tầng của khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Trước đó, ngày 8/11/2024, Tập đoàn Viettel đã ký hợp đồng thuê lại toàn bộ hạ tầng từ Công ty Cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn. Với tên gọi nội bộ là Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn, dự án được triển khai tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn được thiết kế với nhiều khu chức năng, bao gồm khu dịch vụ thông quan, khu lưu kho, bãi đỗ xe, trung tâm giao dịch nông sản, khu trưng bày triển lãm và các dịch vụ logistics gia tăng khác. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp các dịch vụ logistics toàn trình và chuyên nghiệp, kết hợp với hạ tầng cửa khẩu để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa.
>> Đề xuất làm tuyến đường 14 làn xe vận chuyển hàng hóa Lạng Sơn - Trung Quốc
Với mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan và giảm chi phí logistics, dự án kỳ vọng sẽ đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm logistics chiến lược, kết nối khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc.
Dự án thuê hạ tầng tại Khu trung chuyển thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Internet |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu Công ty Cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hoàn công đầu tư giai đoạn 1 của dự án để đảm bảo điều kiện triển khai các bước tiếp theo. Các Sở, ngành liên quan được chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, khẩn trương thực hiện đấu nối với hệ thống đường bộ, xây dựng phương án giá và phí dịch vụ, đồng thời hoàn thành các điều kiện để cơ quan hải quan công nhận đây là điểm kiểm tra hàng hóa tập trung.
Đối với UBND huyện Cao Lộc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án Khu trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là việc xây dựng khu tái định cư. Theo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 6/2025.
>> Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Lý do không kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau