VIMC: Cảng Cần Giờ 5,5 tỷ USD là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam
Theo Tổng Giám đốc VIMC, cảng Cần Giờ không chỉ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics cho hàng hóa nội địa, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Hội nghị tổng kết gần đây của Bộ Giao thông vận tải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ rằng, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam hiện đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây một thập kỷ.
Riêng năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của VIMC đạt 145 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2023. Sản lượng vận tải biển đạt 20 triệu tấn, vượt 22% so với kế hoạch đề ra.
Ông Tĩnh cho biết, cảng Singapore - cảng trung chuyển lớn nhất khu vực hiện xử lý khoảng 37 triệu TEU/năm. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, ông tự tin rằng Việt Nam có thể vươn lên dẫn đầu khu vực trong tương lai gần.
Tuy nhiên, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu và lưu lượng hàng hóa đang đặt áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nạo vét luồng lạch.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc triển khai các dự án nạo vét cần được thực hiện nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của các tàu lớn. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động này hiện vẫn còn hạn chế và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, dự án cần áp dụng mô hình “cảng mở”, tích hợp hệ thống hải quan để rút ngắn thời gian thông quan, tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa liên cảng, từ đó gia tăng sức cạnh tranh.
>> Hà Nội chuẩn bị phê duyệt đề án cải tạo ba khu tập thể cũ, nguy hiểm cấp D ở quận Ba Đình
Để giải quyết các nút thắt này, VIMC cam kết tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược, trong đó nổi bật là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của ngành hàng hải Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nhấn mạnh rằng, cảng Cần Giờ không chỉ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics cho hàng hóa nội địa, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“VIMC rất mong chờ Thủ tướng phê duyệt dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị TP. HCM sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới ”, ông Tĩnh chia sẻ.
Ông cũng cho biết, khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo thành tổ hợp cảng hiện đại, gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam và tái định hình bản đồ hàng hải khu vực, từ Nội Á đến quốc tế.
Cụm cảng này cũng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra các tuyến vận tải trực tiếp đến quốc tế, đồng thời nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường thế giới.
Ngoài việc nâng cấp hạ tầng cảng biển, VIMC còn đặt mục tiêu phát triển đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới.
Chiến lược này không chỉ giúp tận dụng thị trường và tệp khách hàng sẵn có của đối tác, mà còn mở rộng nhanh chóng mạng lưới vận tải và tăng cường sức cạnh tranh. Hợp tác quốc tế còn mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ vận tải tiên tiến, đảm bảo hiệu quả khai thác và tối ưu hóa nguồn lực.
Theo lãnh đạo VIMC, các dự án cảng nước sâu không chỉ tạo thêm nhiều việc làm mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Tĩnh khẳng định rằng để hiện thực hóa chiến lược đưa ngành hàng hải Việt Nam vươn tầm thế giới, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, việc xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn, trao quyền tự quyết và phân cấp mạnh mẽ cho đại diện vốn chủ sở hữu là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn Việt Nam vươn ra biển lớn.
“Với sự đồng hành của Chính phủ và các Bộ, ngành, VIMC không chỉ hướng tới các mục tiêu kinh doanh mà còn quyết tâm góp phần nâng cao vị thế hàng hải Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tĩnh bày tỏ.
Được biết, theo Đề án, vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đặt ở khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là vị trí nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Công trình được gọi là siêu cảng này có mức đầu tư lên tới 5,5 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với Singapore, Malaysia.
Tổng chiều dài của cảng chính dự kiến khoảng 7km với bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích cảng ước tính 571ha, trong đó khoảng 469,5ha gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu nhà ở công nhân viên điều hành, hạ tầng kỹ thuật... và 101,5ha là diện tích vùng nước hoạt động cảng.
Theo ước tính, sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng có thể đạt 2,1 triệu TEU (1TEU bằng 1 container 20feet).
Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng hóa qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đạt khoảng 16,9 triệu TEU vào năm 2047, đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
>> Từ hôm nay, tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ chính thức sáp nhập lại một huyện sau 20 năm chia tách