Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) sẽ góp vốn bằng tiền và tài sản, trong đó có 1.000 container.
Ngày 2/2 vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - mã chứng khoán MVN) vừa thông qua quyết định đầu tư góp vốn thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC (VIMC Lines) với giá trị vốn góp gần 1.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 99,956% vốn điều lệ.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ góp vốn bằng tài sản và tiền. Cụ thể, Tổng công ty góp hơn 12,64 triệu cổ phần Công ty cổ phần Cảng VIMC Đình Vũ có mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần; 4,59 triệu cổ phần Công ty cổ phần Phát triển hàng hải có mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần và 1.000 container.
Vốn góp bằng tiền được xác định bằng giá trị vốn góp trừ đi giá trị các tài sản kể trên. Tổng công ty sẽ góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày VIMC Lines được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam |
Trước đó, vào cuối tháng 1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã triển khai phương án thoái vốn tại hai đơn vị gồm CTCP Hàng hải Sài Gòn (mã SHC) và CTCP Vận tải biển Hải Âu (mã SSG) thông qua phương thức bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Năm 2023, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có doanh thu thuần 12.813 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.114 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 11% và 31% so với năm trước. Kết quả này tiệm cận mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.330 tỷ đồng được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên. Lợi nhuận sau thuế của MVN ghi nhận gần 1.690 tỷ đồng, giảm 33,5% so với hồi đầu năm.
Tính đến 31/12/2023, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có vốn chủ sở hữu 15.359 tỷ đồng, tăng 1.280 tỷ đồng so với đầu kỳ. Khoản lãi lớn trong năm 2023 giúp công ty xóa bớt khoản lỗ lũy kế chưa phân phối còn 1.398 tỷ đồng thay vì 2.484 tỷ đồng như thời điểm đầu năm.
Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.
Dự kiến sản lượng vận tải biển trong năm 2024 đạt 15,8 triệu tấn (76% ước thực hiện 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển: 123,7 triệu tấn (109% ước thực hiện 2023); doanh thu đạt 17.742 tỷ đồng (99% ước thực hiện 2023); lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng (104% ước thực hiện 2023 và cao hơn 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).
Ban lãnh đạo Tổng công ty dự báo thị trường vận tải biển tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chiến tranh tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa. Các yếu tố khác như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
> > Vinalines sắp thoái vốn ở một công ty con đang phải trích lập dự phòng hơn 50% giá trị đầu tư
Một công ty bất động sản giải thể 8 công ty con và sa thải 1.300 nhân viên, lợi nhuận đi lùi 70%
Công ty con của SCIC 'quay xe' chuyển sang bán toàn bộ số cổ phiếu MBB nắm giữ