Vịnh biển thế giới đẹp nhất tại Việt Nam cảnh sắc như chốn bồng lai nhưng các dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ lại 'vắng lặng như tờ'
21 dự án đầu tư vào du lịch ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong 10 năm qua cho thấy, vịnh Lăng Cô đã trở thành điểm đến được yêu thích của du khách. Tuy vậy, hiện nơi đây im ắng không ngờ.
Vịnh Lăng Cô nằm trên tuyến đường bộ và đường sắt Bắc - Nam, cách Huế 70km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 40km về phía Nam. Năm 2009, vịnh Lăng Cô được bình chọn là thành viên thứ 30 trong danh sách "Vịnh đẹp nhất thế giới" của Worldbays.
Lăng Cô được Vua Khải Định của triều Nguyễn xem là chốn "bồng lai tiên cảnh". Lịch sử kể lại, trên Vịnh Lăng Cô, vua Khải Định đã cho xây dựng Hành Cung Tịnh Viêm để vua và các hoàng hậu, công chúa, thái tử đến nghỉ mát, tĩnh dưỡng vào mùa hè nóng bức ở Huế.
Nơi đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ. Trong bán kính khoảng 150km, Lăng Cô là tâm điểm của một vùng tập trung 4 di sản thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng.
Sau 4 năm được công nhận “Vịnh đẹp thế giới”, cuối năm 2013, Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Con số 21 dự án đầu tư vào du lịch với trên 67.000 tỷ đồng ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong 10 năm qua cho thấy, du lịch Lăng Cô đã phát triển và trở thành điểm đến được yêu thích của du khách. Tuy nhiên, đến nay hầu như các dự án trpng khu kinh tế này đều im ắng như tờ.
Tại Thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch được ban hành cuối tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã nêu ra nhiều vi phạm, thiếu sót ở các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại vịnh Lăng Cô.
Theo đó, với dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam do Công ty TNHH MTV Bãi Chuối làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 1.636 tỷ đồng, quy mô 100ha), Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 đến nay, sau hơn 15 năm được giấy chứng nhận đầu tư, hiện Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối vẫn là khu đất bỏ hoang, chưa hề xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào.
Thanh tra Chính phủ đưa ra kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án.
Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tổng mức đầu tư 838,5 tỷ đồng – quy mô 6,9ha, do Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết nhà đầu tư dự án chưa thực hiện nộp đầy đủ số tiền ký quỹ theo cam kết đầu tư.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc xác định 20.638m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là loại đất ở trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 1/6/2017 là chưa đúng quy định về phân loại theo Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đôn đốc Tập đoàn Vincoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án
Ngoài 2 dự án chậm tiến độ nói trên, hiện ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có nhiều dự án du lịch cũng chậm tiến độ, như: Khu du lịch xanh Lăng Cô; Khu biệt thự sinh thái Lăng Cô; Dự án dịch vụ ẩm thực bến thuyền tại đầm Lập An; Dự án Thuận Phú… Mở rộng ra toàn tỉnh, nhiều dự án du lịch tại TP. Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang cũng chậm tiến độ và chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
>> Vụ xây ‘chui’ tại sân golf Đồi Cù: Từ chối cấp phép, ra thời hạn tháo dỡ công trình
Bất động sản nghỉ dưỡng vừa giảm giá, vừa được cấp sổ, có nên đầu tư?
Diễn biến mới tại khu nghỉ dưỡng nghìn tỷ của BIM Group tại vịnh Vĩnh Hy