Vĩnh Phúc ưu ái kêu gọi đầu tư cho 6 dự án nhà ở xã hội mới
Theo kế hoạch, 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 8.000 căn và nhà liền kề cho công nhân.
Vĩnh Phúc là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp thu hút tập trung đông công nhân làm việc nên nhu cầu về nhà ở để an cư lạc nghiệp đối với nhiều gia đình công nhân nói riêng và cả những người thu nhập thấp nói chung đang là vấn đề bức thiết.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định quản lý và phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội.
Trong đó, Quyết định số 159 của HĐND tỉnh về hỗ trợ dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 14 của UBND tỉnh về tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 179 về kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1247 về ban hành hành kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025…
Bên cạnh việc chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, thu hút đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ưu tiên bố trí nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở.
Tính riêng năm 2023, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh là 8.606 tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại là 2.748 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội là 164 tỷ đồng và vốn của hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng là 5.694 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đã có 5 dự án nhà ở xã hội đã triển khai, gồm: Khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp tại phường Khai Quang; Khu nhà ở xã hội cao tầng cho công nhân tại khu vực Gốc Nụ, phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên); Khu nhà ở thu nhập thấp 8T, phường Xuân Hòa thành phố Phúc Yên; Khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng (TP Phúc Yên).
Các dự án nhà ở xã hội trên đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 1.623 căn nhà diện tích từ 50 – 70m2/căn giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân và những người thu nhập thấp từ năm 2015 đến nay. Hiện tại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư cho 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 8.000 căn và nhà liền kề cho công nhân. Các thủ tục để triển khai dự án đang được thực hiện theo quy định.
Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc cần hoàn thành 28.300 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2022 – 2025 phải hoàn thành 8.800 căn, giai đoạn 2026 – 2030 phải hoàn thành 19.500 căn. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của các ban, ngành liên quan để hoàn thành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Vĩnh Phúc đang gặp phải một số khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội. Trong đó phải kể đến vướng mắc khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện vẫn chưa có cơ chế tài chính để nhà nước bỏ vốn ngân sách chi trả hoặc cho phép nhà đầu tư ứng vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, hiện nay theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đã bỏ ưu đãi được dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở thương mại trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, như vậy việc phát triển nhà ở xã hội nói chung lại càng khó khăn....Cùng với đó, quy định pháp luật về đối tượng mua nhà ở xã hội, nhất là quy định công nhân khu công nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân thì không được thuê, mua nhà ở xã hội. Việc chưa có quy định đối tượng mua nhà ở xã hội là các doanh nghiệp ít nhiều cũng gây khó khăn trong thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội.
Địa ốc Hoàng Quân (HQC) tiếp bước hiện thực hóa đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Các địa phương là 'đầu tàu' trong cuộc ‘chinh phạt’ mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội