VN-Index áp sát mốc 1.200 điểm, chuyên gia bật mí 6 quy tắc 'bắt đáy' hiệu quả
Trong talkshow Khớp Lệnh của VTVMoney với chủ đề "Bắt đáy sao để không đứt tay?", Chuyên gia VPBankS đã đưa ra những góc nhìn đầu tư khi VN-Index lùi về gần mốc 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch 19/11, VN-Index giảm gần 12 điểm về còn 1.205,15 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh so phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch 3 sàn đạt hơn 568,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt hơn 14.539,09 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mạch bán ròng với giá trị hơn 1.463,54 tỷ đồng, tập trung vào các mã VHM (hơn 342 tỷ đồng), FPT (hơn 312 tỷ đồng), HDB (hơn 205 tỷ đồng), HPG (hơn 131 tỷ đồng), SSI (hơn 106 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, các mã mua ròng nhiều trong phiên này gồm MCH (hơn 200 tỷ đồng), CTG (hơn 58 tỷ đồng), SIP (hơn 8 tỷ đồng), KDH (hơn 8 tỷ đồng), GAS (hơn 8 tỷ đồng)...
Dấu hiệu thị trường gần chạm đáy
Trong talkshow Khớp Lệnh của VTVMoney với chủ đề "Bắt đáy sao để không đứt tay?", ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số của Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã chia sẻ những nhận định về tình hình thị trường chứng khoán trong năm 2024. Theo ông, chỉ có một sóng lớn trong năm nay và đã kết thúc vào tháng 3, với một số cổ phiếu vẫn duy trì đà tăng cho đến tháng 6. Tuy nhiên, thị trường đã có dấu hiệu giảm sút từ tháng 6 đến tháng 11, và cơ hội bắt đáy hiện đang đến gần.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc kinh doanh số VPBankS |
Ông Nguyễn Việt Đức cho biết, trong bối cảnh này, nhà đầu tư có thể áp dụng 6 phương pháp để xác định đáy thị trường.
Đầu tiên là phương pháp P/E. VN-Index thường dao động theo dải Bollinger của hệ số P/E và trong những điều kiện thị trường xấu nhất, chỉ số này sẽ chỉ điều chỉnh xuống khoảng 10-11 lần, hiếm khi xuyên qua ngưỡng hỗ trợ này. Ông Đức cũng nhắc lại 3 lần điển hình khi chỉ số giảm về mức P/E 10-11, đó là vào năm 2016 trước sóng tăng mạnh 2016-2017, vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và vào năm 2022 khi vấn đề trái phiếu trở thành tâm điểm. Tại thời điểm hiện tại, ngưỡng hỗ trợ này tương ứng với mức điểm khoảng 940.
Thứ 2 là dựa trên định giá P/B. Thị trường hiện có hỗ trợ ở ngưỡng 1.155 điểm. Trong quá khứ, chỉ số kiểm nghiệm ngưỡng này khoảng 3 lần, lần lượt vào các năm 2020, 2022 và 2023.
Thứ 3 là dựa trên tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư, căn cứ việc có bao nhiêu cổ phiếu đang giao dịch dưới RSI30 - ngưỡng cho thấy sức mạnh rất yếu. RSI khá giống chỉ báo Bulls and Bears Power (sức mạnh giá lên và giá xuống) của thị trường Mỹ. Trong thị trường sợ hãi, số lượng cổ phiếu nằm dưới RSI30 thường không quá lớn, khoảng 30%, xấu nhất là lên đến 50% trong năm 2022. Khi chỉ số này chạm ngưỡng 25-30%, nhà đầu tư sẽ có cơ hội bắt đáy.
Thứ 4 là theo dõi sự biến động của USD và dòng tiền của khối ngoại. Khi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu giải ngân trở lại trong vòng 1-2 tuần, thị trường sẽ có khả năng tạo đáy cao hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khối ngoại đang duy trì đà bán ròng, do đó theo chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư chưa nên quá vội vàng.
Nguồn: Talkshow Khớp lệnh với chủ đề “Bắt đáy sao để không đứt tay?” |
Thứ 5 là chọn cổ phiếu để giải ngân. Ông Đức khuyến nhà đầu tư nên tập trung vào việc lựa chọn nhóm cổ phiếu ít rủi ro hơn, thay vì cố gắng đoán đáy thị trường. Với tình hình hiện tại, định giá thị trường cơ bản là thấp và nếu trong kịch bản lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 tăng chậm do ảnh hưởng của các chính sách thuế quan, biến động của USD..., các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và đồ uống có thể là lựa chọn thích hợp.
Ngược lại, trong kịch bản tích cực của năm 2025, Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, qua đó lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Nhà đầu tư có thể hướng đến các cổ phiếu thuộc ngành công nghiệp, công nghệ và hàng xa xỉ.
Thứ 6 là phương pháp giải ngân theo “cá mập” với việc chia tiền còn lại thành 4 phần bằng nhau. Theo chuyên gia, trong lần giải ngân đầu tiên luôn ẩn chứa rủi ro sai sót. Lần giải ngân thứ 2 có thể thực hiện khi cổ phiếu đi ngang hoặc chạm ngưỡng hỗ trợ tiếp theo, lần thứ 3 khi cổ phiếu tạo đáy và bắt đầu hồi phục (ví dụ, vượt qua MA20) và lần thứ 4 khi cổ phiếu bước vào xu hướng tăng và vượt qua 3 đường trung bình động quan trọng là MA20, MA50 và MA200.
Chuyên gia nhấn mạnh, đây là phương pháp dành cho nhà đầu tư ngắn hạn. Trong trường hợp sau 2 lần giải ngân đầu tiên mà mức lỗ vượt quá 10%, nhà đầu tư cần chủ động cắt lỗ để hạn chế rủi ro. Việc mua cổ phiếu nên diễn ra từ từ, tránh vội vã, nhưng khi bán, nhà đầu tư cần phải nhanh chóng và quyết liệt. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức MA20, nhà đầu tư nên đợi nhịp phục hồi đầu tiên để bán 50% lượng cổ phiếu đã nắm giữ. Phần còn lại sẽ được bán khi cổ phiếu mất mức hỗ trợ MA50.