Lần gần nhất VN-Index tăng điểm trong tháng 1 đã cách đây 4 năm (năm 2019 +2,03%). Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 năm COVID-19, VN-Index đã liên tục giảm điểm ngay trong tháng đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2022 đầy biến động bằng phiên đảo chiều giảm điểm ngày 30/12 kéo VN-Index về 1.007,09 điểm. Với mức giảm 32,78% so với cuối năm 2021, chỉ số đại diện thị trường đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử (chỉ sau năm 2008).
Trong năm qua, sắc đỏ tràn ngập trên thị trường khi có đến 9 tháng VN-Index giảm điểm và chỉ ghi nhận 3 tháng tăng điểm và chỉ số có thời điểm chạm mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm trong phiên 16/11.
Một năm Dương lịch đi qua để lại nhiều nỗi buồn cho các nhà đầu tư cổ phiếu khi có đến hàng trăm mã giảm điểm trong khi số mã tăng thực sự tốt không quá nhiều.
Sau mỗi biến cố, cổ phiếu lại tiếp tục “bay màu”, tài khoản nhà đầu tư chưa kịp hồi đã tiếp tục “bốc hơi”; tâm lý chán chường - bế tắc và tuyệt vọng khiến không ít người phải ngậm ngùi cắt lỗ và rời đi,…
Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ có 327 trong tổng số 1.606 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên 3 sàn chứng khoán tăng giá so với đầu năm (chỉ chiếm tỷ lệ 20%).
Bên cạnh việc hàng trăm mã cổ phiếu bị đẩy về dưới mệnh giá, thị tường cũng dần thưa đi những cổ phiếu "nặng đô" có giá cao trên 100.000 đồng/cổ phiếu (hiện chỉ còn 19 mã trong đó 6 trên HOSE, 3 tại HNX và 10 mã trên sàn UPCoM).
"Hiệu ứng tháng Giêng" có thể xảy ra?
Thị trường chứng khoán vừa kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023 Dương lịch với việc VN-Index đảo chiều tăng 44,35 điểm (+4,4%) lên 1.051,44 điểm sau 4 phiên. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.222 tỷ đồng - tăng 11,45% so với tuần cuối năm 2022.
Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm sáng khi có tuần mua ròng thứ 9 liên tiếp với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.720 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, nhịp tăng của VN-Index trong tháng 1/2023 vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho biết, tháng 1 hàng năm thường là thời điểm các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu giải ngân (như những năm 2012, 2013, 2014) giúp thị trường trong tháng đó ghi nhận tăng trưởng lên đến 2 con số.
Diễn biến chỉ số VN-Index nửa năm trở lại đây |
"Nhưng các năm gần đây hiện tượng này lại không xảy ra và tôi nghĩ cũng khó xảy ra trong năm 2023. Khối ngoại đã mua ròng liên tục trong các tháng 10 và 11/2022 do đó khó kỳ vọng một đợt giải ngân mạnh trong tháng 1 này", ông Hưng nói.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng giao dịch cũng khá thấp so với trước kia.
Điều đáng chú ý là, giai đoạn cuối năm và đầu năm mới, thị trường chứng khoán toàn cầu thường có hiện tượng "hiệu ứng tháng Giêng" (January Effect) đến từ việc các nhà quản lý quỹ thường có xu hướng bán cổ phiếu đang lỗ vào giai đoạn cuối năm để làm giảm lợi nhuận để giảm thuế phải nộp, sau đó mua lại vào đầu năm. Hoạt động này sẽ giúp thị trường được bổ sung dòng tiền vào đầu năm dẫn đến giao dịch trở nên sôi động đẩy giá chứng khoán tăng.
Đáng nói, "hiệu ứng tháng Giêng" thường được ghi nhận ở các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo thống kê kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, trải qua 22 tháng 1, VN-Index đã ghi nhận 12 tháng tăng và 10 tháng giảm.
Nổi bật trong giai đoạn này, VN-Index từng ghi nhận mức tăng kỷ lục 38,52% trong tháng 1/2007 - đây là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam đang độ thăng hoa. Kế đó là mức tăng 28,38% và 18,84% trong các năm 2004 và 2001.
Chỉ số cũng từng ghi nhận chuỗi 5 năm tăng điểm liên tục từ 2011 - 2015 với mức tăng trung bình hơn 9%/năm.
Lần gần nhất chỉ số tăng điểm đã cách đây 4 năm (năm 2019 +2,03%). Điều này cũng chỉ ra rằng trong 3 năm COVID-19, VN-Index đã liên tục giảm điểm ngay tháng khai Xuân dù mức giảm trung bình chỉ chưa tới 3%.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, hiện tại Việt Nam đã cơ bản không chế được dịch COVID-19 với tỷ lệ tiêm vắc-xin cao; các yếu tố vĩ mô đều ghi nhận kết quả tích cực.
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?