Nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu đã phá đáy từ đợt COVID-19 lần 1 cũng như nhiều mã đã giảm 50 - 60% kể từ đầu năm 2022.
Thị trường chứng khoán có tuần giảm thứ 6 liên tiếp từ 3 - 7/10/2022 khi VN-Index giảm tới 96,2 điểm (-8,5%) về mức 1.035,91 điểm; HNX-Index giảm 24,16 điểm (-9,65%) xuống 226,09 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 4,98 điểm (-5,86%) xuống 79,98 điểm.
Tồi tệ hơn, phiên giảm điểm ngày 7/10 đã kéo VN-Index về mức thấp nhất kể từ phiên 9/12/2020 (mức 1.039 điểm) - đáy 22 tháng. Chỉ trong 1 tháng, chỉ số chính của thị trường đã bay gần 210 điểm - tương ứng mất 16,67% điểm số.
Tính chung sau 4 đợt biến động mạnh kể từ đầu tháng 4/2022 (trong đó có 3 nhịp giảm và 1 nhịp tăng), VN-Index đã đánh rơi gần 500 điểm - tương ứng mức giảm 32% chỉ sau nửa năm.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường giảm nhanh và sâu kể từ khi tạo đỉnh 1.524 điểm phiên 4/4/2022 chủ yếu do hiện tượng hụt dòng tiền, sự dịch chuyển - cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư.
Cuộc đua tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương; việc siết chặt các quy định về thị trường trái phiếu trong nước cùng với đó là mặt bằng lãi suất đang tiếp tục tăng lên đang khiến làn sóng dịch chuyển kênh đầu tư, tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro diễn ra mạnh mẽ.
Chuyên gia chứng khoán Bùi Văn Huy cho rằng, một trong những biểu hiện của xu hướng lớn nói trên là việc xử lý các vi phạm lớn trong việc phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp. Có thể những sự kiện trên chưa phải là những sự vụ phát sinh cuối cùng, đó là hệ quả của một quá trình dài, các thị trường tài sản có rủi ro nói chung trong thị trường đầu cơ giá lên được hình thành trên nợ vay, với tiêu chuẩn lỏng lẻo.
Nhiều tin đồn đã trở thành tin chính thức gây tâm lý kém tích cực đến thị trường và kích hoạt làn sóng bán tháo. Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là hiện tượng giảm đòn bẩy (deleveraging). Hiện tượng margin call khi giá giảm sâu làm diễn biến thị trường càng thêm kém tích cực.
Đưa ra quan điểm về thị trường chứng khoán tuần từ 10 - 14/10, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và VN-Index có thể sẽ biến động quanh mức 1.000 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần đồng thời rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Tuy vậy, công ty này cho rằng do thị trường giảm sâu vào vùng quá bán rất mạnh cho nên sẽ rất dễ xuất hiện các nhịp hồi; nhà đầu tư không có áp lực về margin cần hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm mạnh của thị trường.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đang trong vùng bi quan quá mức song điểm sáng là các nhà đầu tư chưa hoàn toàn có dấu hiệu rời bỏ thị trường cho thấy thị trường vẫn có thể xuất hiện các cơ hội ngắn hạn.
Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, hiện các thị trường lớn trên thế giới đã phục hồi đáng kể trong tuần qua (quanh mức tăng 4%). Do vậy, rất khó để nói chứng khoán thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
VN-Index đã giảm 6 tuần liên tiếp và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ; chỉ số cũng đang tiệm cận vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm (trước nhịp giảm hồi COVID-19).
Thanh khoản 2 phiên gần đây đã tăng lên cho thấy có dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên dòng tiền mua ở thời điểm này đang có xu hướng đầu tư dài hạ. Do vậy quá trình giải ngân có thể kéo dài và chưa có tín hiệu của dòng tiền nóng.
Theo đó, nhà đầu tư có thể chuẩn bị lựa chọn cổ phiếu cho danh mục khi nhiều cổ phiếu đã phá đáy từ đợt COVID-19 lần 1 cũng như nhiều mã đã giảm 50 - 60% kể từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán tuần 26 - 30/9: Cổ phiếu bank - chứng - thép mất hàng chục %