Vĩ mô

Vốn 'xanh' cho doanh nghiệp: Tiền không thiếu, vấn đề là làm thế nào tiếp cận được?

Khúc Văn

Thực tế, việc phát triển thị trường tài chính xanh của Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp bị cản trở trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Thị trường tài chính carbon gặp nhiều khó khăn

Là một phần quan trọng của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh đóng vai trò then chốt trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Tài chính xanh thúc đẩy sự chuyển dịch từ các mô hình kinh tế truyền thống sang những phương thức sản xuất và tiêu dùng ít carbon hơn bằng cách cung cấp nguồn lực cần thiết, hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông công cộng sạch và công trình xanh.

Tuy quan trọng là vậy, nhưng thực tế, việc phát triển thị trường tài chính xanh của Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp bị cản trở trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Vốn 'xanh' cho doanh nghiệp: Tiền không thiếu, vấn đề là làm thế nào tiếp cận được?
Thị trường tài chính các-bon gặp nhiều khó khăn.

Lý giải nguyên do, ông Lê Hoàng Lân, Chuyên viên chính Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn thống nhất chung về các danh mục các ngành, lĩnh vực xanh dẫn đến thiếu cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao trong khi lại thiếu các văn bản pháp luật quy định liên quan và nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.

Ngoài ra, hệ thống văn bản mới chú trọng đến yếu tố môi trường mà chưa được cụ thể hóa các yếu tố mang tính ràng buộc, đặc biệt là sự ràng buộc về yếu tố xã hội và quản trị.

Tương tự, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp (KCN) DEEP C cho biết, hiện nay còn thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận các nguồn tài chính xanh.

Thêm vào đó, chưa có tiêu chí dự án xanh một cách cụ thể, rõ ràng, khác nhau giữa các đơn vị cung cấp tín dụng. Cùng với đó, các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng, các dự án quy mô nhỏ (< 30 triệu USD) nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài. Ngoài ra còn một số rủi ro khác như chênh lệch tỷ giá…


Trước những thách thức còn tồn tại, bà Hoàn đã đề xuất một số giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, như sau:

Một là, phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản.

Hai là, tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên (nature-based infrastructure).

Ba là, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như: World Bank, IFC hoặc ADB

>>Vụ 154 dự án điện mặt trời bị thanh tra: Bộ Công Thương chưa thể trình Chính phủ hướng xử lý

Vốn không thiếu nhưng làm sao tiếp cận được?

Trong quá trình phát triển thị trường tài chính xanh, các quỹ đầu tư xanh không chỉ đóng vai trò cung cấp vốn, mà còn đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý rủi ro, giúp các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thực hành bền vững.

Vốn 'xanh' cho doanh nghiệp: Tiền không thiếu, vấn đề là làm thế nào tiếp cận được?
Vốn không thiếu nhưng làm sao tiếp cận được?

Bằng cách đầu tư vào các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các giải pháp kinh tế tuần hoàn, các quỹ đầu tư giúp tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.

Về vấn đề này, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho rằng, khi vận hành quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam, một trong những thách thức chính là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về các tiêu chí xanh trong lĩnh vực của mình.

Ví dụ, trong ngành xây dựng hay bất động sản, để triển khai các dự án xanh, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức làm việc. Tuy nhiên, câu hỏi lớn luôn là liệu việc xanh hóa có mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn không.

Về lâu dài, vị chuyên gia này cho rằng thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần hiểu rõ các tiêu chí xanh của ngành trước khi tìm đến quỹ tài chính xanh.

“Họ cần nhận thức được lý do tại sao quỹ cần mình và quan trọng hơn, phải hiểu rõ tại sao mình cần quỹ, cũng như xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Không phải cứ làm "xanh" là kêu gọi được vốn, vì cốt lõi trong kinh doanh vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần chứng minh rằng họ có thể mang lại lợi nhuận đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội”. ông Hoàng lưu ý.

Bởi, các quỹ đầu tư luôn đi theo xu hướng thị trường và trước tiên muốn tìm các doanh nghiệp tốt. Việc xanh hóa hoặc chuyển đổi số là một trong nhiều tiêu chí đánh giá một doanh nghiệp tốt, cho thấy sự sẵn sàng thay đổi về mặt quản trị.

Trên thực tế, khi doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ, rất có thể các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đưa ra định hướng hoặc nhìn nhận một số vấn đề ở khía cạnh rất khác so với chủ doanh nghiệp. Lúc này, 2 bên cần có sự trao đổi, bàn bạc về phương thức thay đổi nếu cần để đi đến quyết định đầu tư.

Ngoài ra, ông Hoàng cho biết thêm, với xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt trong năm nay và các năm tới, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn lại lộ trình phát triển của mình và xác định rõ nhu cầu.

“Tiền hiện có rất nhiều, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận được” ông Hoàng nhấn mạnh.

>>Nghĩa trang phủ kín pin điện mặt trời, nơi an nghỉ thành trang trại điện sạch

HDBank (HDB) nhận giải thưởng Tổ chức Tài chính Xanh tốt nhất Việt Nam

Việt Nam sắp có khu kinh tế xanh đầu tiên hơn 20.000ha?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/von-xanh-cho-doanh-nghiep-tien-khong-thieu-van-de-la-lam-the-nao-tiep-can-duoc-248497.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vốn 'xanh' cho doanh nghiệp: Tiền không thiếu, vấn đề là làm thế nào tiếp cận được?
POWERED BY ONECMS & INTECH