Vụ Bách Hóa Xanh nhận 350 - 400kg giá đỗ chứa chất cấm/ngày từ một cơ sở sản xuất: Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là gì, hại sức khỏe ra sao?
Hóa chất này độc đến mức nào mà bị cấm sử dụng cho người?
Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa triệt phá thành công một vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với quy mô rất lớn. Sau thời gian dài theo dõi và điều tra nhóm đối tượng thuộc "Hội giá đỗ Miền Nam" và "Hội làm giá đỗ", lực lượng công an đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Công an đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo (sinh năm 1990, trú tại Buôn Kô Tam, xã Ea Tu), 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (sinh năm 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hòa), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (sinh năm 1973, trú tại Tổ dân phố 6, P. Tân Hòa) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (sinh năm 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hòa).
Qua kiểm tra và đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận rằng trong quá trình sản xuất giá đỗ, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục và nước giếng, họ còn sử dụng một chất lỏng không màu mà nhóm đối tượng gọi là "nước kẹo". Đây thực ra là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, một chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
Mặc dù biết rõ đây là chất cấm và gây hại cho sức khỏe nhưng vì "mờ mắt" trước lợi nhuận "khủng", các đối tượng này vẫn thường xuyên sử dụng chất này để pha vào nước ngâm giá đỗ.
Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh đã phát hiện và thu giữ 20.357kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất cấm này. Trong số giá đỗ thu giữ, có 7.934kg thành phẩm và 12.423kg đang trong quá trình sản xuất, đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine, cùng với 37 can nhựa chứa 135l dung dịch lỏng, trong suốt – chất cấm nói trên. Với số dung dịch này, các đối tượng có thể sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 675 tấn giá đỗ thành phẩm, trị giá khoảng 18,7 tỷ đồng. Các sản phẩm này thường được bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã và thành phố để tiêu thụ.
Một cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho siêu thị Bách Hóa Xanh với số lượng từ 350 - 400kg mỗi ngày. Đáng chú ý, trên bao bì mỗi gói giá đỗ, các đối tượng này dán nhãn mác với dòng chữ “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản” để lừa dối người tiêu dùng.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là gì?
Cytokinin, auxin và giberelin là ba loại kích thích tố tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển và các chức năng khác của thực vật. 6-Benzylaminopurine (BAP) là một loại cytokinin, thuộc nhóm chất kích thích tăng trưởng tế bào và là thế hệ tổng hợp đầu tiên trong nhóm này.
Đây là hợp chất kết tinh dạng kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường nhưng lại tan trong dimethylformamide, dimethyl sulfoxide và dung dịch nước vôi (Na2CO3).
Với thực vật, benzylaminopurine có các tác dụng: kích thích sự phát triển, ra nhánh và đâm chồi; tăng cường khả năng ra hoa và giúp trái cây to hơn nhờ vào việc kích thích phân chia tế bào; nâng cao khả năng đề kháng với bệnh tật, hạn hán, lạnh hoặc nồng độ muối cao; ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật, giúp sản phẩm giữ được màu sắc và tươi lâu hơn sau khi thu hoạch khi phun nồng độ từ 10 đến 15 ppm.
6-Benzylaminopurine ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?
Đây là hóa chất tăng trưởng thực vật cấm dùng cho người bởi tác động xấu của nó đối với sức khỏe con người. Nếu 6-Benzylaminopurine văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc; dính vào da gây viêm da, làm nặng thêm bệnh lý da; nếu hít trong thời gian dài có thể gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản mãn tính, COPD, xơ phổi…
Nếu xâm nhập vào cơ thể, 6-Benzylaminopurine có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tử vong nếu ăn với lượng lớn. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc lâu dài với chất này có thể gặp nguy cơ sinh non, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Khi ngâm 6-Benzylaminopurine trực tiếp với giá đỗ, dung dịch này sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá. 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, vì vậy dù có rửa giá đỗ nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được.
* Tổng hợp
>>Độc tính của hoá chất trong rượu khiến 22 người ngộ độc sau bữa tiệc ở Long Biên
Đối thủ của Hóa chất Đức Giang (DGC) vượt đỉnh lịch sử, thị giá tăng 188% sau 1 năm
Hóa chất Đức Giang (DGC) được dự báo 'hốt bạc' từ các siêu dự án bán dẫn tỷ đô