Chứng khoán

'Vũ khí' tạo sự tăng trưởng thần tốc cho Chứng khoán VPS trở nên lạc hậu, đã đến lúc phải thay đổi?

Hải Băng 23/09/2024 17:09

Mô hình kinh doanh giúp VPS tăng trưởng thần tốc giai đoạn trước năm 2022 đang dần đánh mất sự hiệu quả, thị phần môi giới của doanh nghiệp đã chững lại trong khoảng 2,5 năm gần đây. VPS sẽ ứng phó như nào trong bối cảnh mới của thị trường?

Thời điểm cuối quý II/2024, Chứng khoán VPS tiếp tục giữ vị trí Top 1 thị phần môi giới trên HoSE với 18,16%. Công ty này lần đầu vượt mốc 20% trong quý I/2024 nhưng đã nhanh chóng sụt giảm. Các vị trí tiếp theo là SSI (9,31%), TCBS (7,45%) và VND (6,46%). Đáng chú ý, sau giai đoạn tăng trưởng "thần kỳ" trước năm 2022, VPS đang chững lại trong 2,5 năm trở lại đây khi thị phần chủ yếu đi ngang trong vùng 17 - 19%.

Ngược lại, TCBS vươn lên mạnh mẽ, từ khi lọt vào Top 10 thị phần với 3,73% vào quý IV/2022. Chỉ sau 1,5 năm, công ty chứng khoán này đã vượt mặt VND để chiếm vị trí Top 3 với 7,45% thị phần.

'Vũ khí' tạo sự tăng trưởng thần tốc cho Chứng khoán VPS trở nên lạc hậu, đã đến lúc phải thay đổi?
Nguồn: Tổng hợp

VPS được thành lập năm 2006, tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, thuộc VPBank. Đến năm 2015, VPS đổi chủ và chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Chủ tịch HĐQT hiện nay là ông Nguyễn Lâm Dũng.

Trong hơn 1 thập kỷ kinh doanh, VPS chủ yếu tập trung vào tự doanh và môi giới trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2019, doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện trong Top 10 thị phần môi giới chứng khoán cá nhân với 3,14% (quý I/2019); khi ấy, Top 4 thuộc về các "ông lớn" SSI, VND, HSC, VCI. Mảng môi giới tiếp tục được mở rộng, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, giúp VPS nhanh chóng vượt qua tất cả các đối thủ và giữ vị trí Top 1 vào năm 2021.

"Chìa khóa" làm nên bước chuyển mình của VPS

Sự thành công nhanh chóng của VPS được cho là đến từ 3 yếu tố chính: (1) Đổi mới công nghệ; (2) Covid-19; (3) Mô hình kinh doanh.

Trong khi các công ty chứng khoán khác còn đang mở tài khoản cho nhà đầu tư thông qua hợp đồng giấy, rất mất thời gian và khó tiếp cận, VPS là đơn vị đi đầu trong triển khai eKYC (xác thực thông tin khách hàng online). Điều này giúp nhà đầu tư F0 đơn giản hóa các thao tác mở tài khoản, dễ dàng tiếp cận với thị trường.

Trong con sóng Covid-19, nhu cầu mở tài khoản chứng khoán bùng nổ, số lượng tài khoản tăng từ 2,4 triệu vào cuối năm 2019 lên 6,8 triệu vào cuối năm 2022. VPS như "vớ được vàng" khi đã có sự chuẩn bị sẵn từ công nghệ đến nhân sự. Nửa cuối năm 2018, lượng nhân viên VPS tăng từ 321 người lên 430 người. Sang năm 2019, con số này được nâng lên 772 người, ngay trước đại dịch.

Chính sách về môi giới của VPS cũng nổi trội hơn so với các công ty chứng khoán khác, thể hiện ở mức chia hoa hồng rất cao và cơ chế tuyển người. Công ty không ràng buộc chất lượng cộng tác viên và phát triển theo mô hình đa cấp: khi đủ doanh số, nhân viên môi giới được tách phòng và tuyển người. Do vậy, số lượng môi giới của VPS đông hàng đầu thị trường.

'Vũ khí' tạo sự tăng trưởng thần tốc cho Chứng khoán VPS trở nên lạc hậu, đã đến lúc phải thay đổi?
Lợi nhuận của VPS liên tục tăng trưởng (Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất)

Xu hướng miễn phí phí giao dịch lên ngôi, đã đến lúc VPS phải thay đổi?

Các lợi thế mà VPS tạo ra đã dần mất đi thế mạnh khi các công ty chứng khoán hiện tại đều đã hoàn thiện eKYC và xu hướng miễn phí phí giao dịch lên ngôi. Đây chính là "key" tăng trưởng của TCBS và nhiều công ty khác hiện nay.

Quý II/2024, dù giữ top 3 thị phần môi giới, TCBS chỉ ghi nhận thu nhập từ mảng môi giới đạt 46 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; tuy nhiên, công ty được hưởng lợi từ lãi cho vay margin, đạt 629 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có nguồn thu từ tự doanh 538 tỷ đồng và phân phối trái phiếu 868 tỷ đồng.

'Vũ khí' tạo sự tăng trưởng thần tốc cho Chứng khoán VPS trở nên lạc hậu, đã đến lúc phải thay đổi?
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất

Trong khi đó, mảng tự doanh và tư vấn tài chính của VPS vốn đóng góp chủ yếu vào thu nhập trước năm 2019 đang dần suy giảm, nhường chỗ cho môi giới và cho vay margin. Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, môi giới chiếm 38% và cho vay margin chiếm 26% thu nhập hoạt động. Hai nguồn thu nhập này chỉ tăng trưởng khi doanh nghiệp tăng trưởng được khách hàng cá nhân. Như vậy, bài toán đặt ra là VPS sẽ ứng phó như thế nào trong xu hướng kinh doanh mới của thị trường?

Trước đó, VND đã có một bước đi táo bạo khi không chạy theo cuộc đua cạnh tranh về phí mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng. Công ty ưu tiên phát triển đội ngũ môi giới về chất lượng hơn là số lượng. Năm 2023, VND đã cắt giảm gần 400 nhân sự, chủ yếu là những người có thời gian làm việc dưới 1 năm.

Về kết quả, thị phần của VND liên tục xuống dốc, từ mức 7,96% quý II/2022 xuống còn 6,01% vào quý I/2024. Tuy nhiên, trong quý II/2024, đã có sự cải thiện khi thị phần tăng lên 6,46%. Doanh thu môi giới đạt đỉnh vào năm 2021 với 1.615 tỷ đồng, sau đó liên tục giảm, dự kiến năm 2024 còn 720 tỷ đồng (-17% so với cùng kỳ).

>> Hành động của VPS sau khi UBCKNN yêu cầu ngừng mô hình chia nhỏ BĐS để bán với giá từ 10.000 đồng

Công ty sợi Thái Bình thua lỗ nặng, chuyển hướng sang BĐS với kỳ vọng thị trường phục hồi

Tập đoàn Đèo Cả muốn doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 70 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-khi-tao-su-tang-truong-than-toc-cho-chung-khoan-vps-tro-nen-lac-hau-da-den-luc-phai-thay-doi-250026.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Vũ khí' tạo sự tăng trưởng thần tốc cho Chứng khoán VPS trở nên lạc hậu, đã đến lúc phải thay đổi?
POWERED BY ONECMS & INTECH