Vụ Vạn Thịnh Phát: HĐXX khẳng định bà Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản, 5 cựu lãnh đạo SCB từ bỏ quyền bào chữa

11-04-2024 11:51|Băng Băng

Trước đó, trong quá trình xét xử, Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức phạt tử hình cho tội tham ô tài sản của SCB.

Ngày 11/4, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án đối với bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác sau một tuần nghị án.

Dẫn tin từ Báo Tuổi Trẻ, theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo dù có nhiều nhận thức khác nhau về hành vi phạm tội nhưng đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng chỉ đưa tài sản vào cho Ngân hàng SCB để phục vụ tái cơ cấu, bà Lan cho rằng cáo trạng quy kết bà sở hữu 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB là không đúng mà bà chỉ sở hữu gần 5% cổ phần.

Bị cáo Lan cho rằng bà chỉ huy động người thân, bạn bè, nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu là theo động viên của một số cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng SCB hoạt động theo quy định pháp luật, bản thân bà không đưa người thân tín vào các vị trí quan trọng tại ngân hàng.

Bà Lan phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới lập công ty "ma" để lập khống hồ sơ vay vốn. Bà khẳng định không móc nối các công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản.

Bà Lan xác nhận được sự ủy thác của Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn 2 lần gặp bà Đỗ Thị Nhàn (cựu trưởng đoàn thanh tra) để xin sớm kết luận thanh tra nhưng không thừa nhận chỉ đạo Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho bà Nhàn.

Ngoài các luật sư bào chữa cho các bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn đề nghị xem xét lại tội danh tham ô tài sản dối với các bị cáo, luật sư của các bị cáo đều đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ cho thân chủ của mình.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ kết quả điều tra, hội đồng xét xử cho rằng sự vắng mặt của 5 bị cáo (Đinh Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Chiêm Minh Dũng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn - thành viên HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ - nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB; Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi ra đầu thú nhưng các bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa của mình.

Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đảm bảo quyền lợi của 5 bị cáo, chỉ định luật sư bào chữa.

Mặt khác, tại phiên tòa không có ai khiếu nại về sự vắng mặt của 5 bị cáo nên HĐXX xét xử vắng mặt đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật.

Quá trình điều tra, diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm.

Đối với 5 cổ đông nước ngoài, quá trình điều tra bà Lan khai đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 cổ đông này.

Tuy tại phiên tòa bà Lan thay đổi lời khai nhưng thực tế các cổ đông nước ngoài từ lâu đã không tham gia đại hội đồng cổ đông nên lời bào chữa của các luật sư cho rằng bà Lan và gia đình chỉ nắm giữ khoảng 15% cổ phần SCB là không có cơ sở để chấp nhận.

Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB thì bà Lan thực tế là đại hội cổ đông của SCB, là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng này.

Hội đồng xét xử khẳng định theo các quy định pháp luật, hoạt động đảo nợ không phải là hoạt động được cho phép như lời bào chữa của các luật sư.

Việc các luật sư cho rằng bà Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để trả nợ cũ, nhằm cơ cấu nợ cũ là không có cơ sở để chấp nhận.

Kết quả điều tra xác định các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB phần lớn được thực hiện bởi các pháp nhân mới thành lập.

Các bị cáo tại ngân hàng tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan đã bất chấp các quy định pháp luật, hợp thức hóa, phê duyệt các khoản vay khống của nhóm Vạn Thịnh Phát, thậm chí có nhiều khoản vay giải ngân trước khi hồ sơ được hợp thức.

Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, quyền lực, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung thực hiện việc rút tiền từ SCB nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan, bỏ qua các quy định pháp luật, giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan và các bị cáo đủ cấu thành tội tham ô tài sản. Tuy nhiên SCB không có vốn Nhà nước. Các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.

Theo đó, Bộ luật Hình sự 1999 không quy định tội tham ô tài sản đối với các pháp nhân ngoài nhà nước. Nên những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (Điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999; những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

>> NHNN và các TCTD gồng mình cho SCB vay gần 40.000 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan cầm ‘núi tiền’ đi mua bất động sản

Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 yếu tố quyết định sinh mệnh bị cáo Trương Mỹ Lan

‘Nhà’ Chủ tịch Bùi Thành Nhơn chi hàng nghìn tỷ đồng giúp Novaland (NVL) thoát khỏi khủng hoảng

Ngày 11/4 tuyên án bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan bán hết gia tài sẽ thoát án tử?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-hdxx-khang-dinh-ba-truong-my-lan-pham-toi-tham-o-tai-san-5-cuu-lanh-dao-scb-tu-bo-quyen-bao-chua-230343.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: HĐXX khẳng định bà Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản, 5 cựu lãnh đạo SCB từ bỏ quyền bào chữa
POWERED BY ONECMS & INTECH