Chứng khoán

Vụ Vạn Thịnh Phát: NHNN, UBCKNN và HNX vô can

Lan Phương 13/06/2024 - 16:11

Nhiều cơ quan quản lý được xác định không có trách nhiệm đối với các hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận Trương Mỹ Lan và các đồng phạm có hành vi vi phạm pháp luật gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đáng chú ý, CQĐT đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan.

Thứ nhất, ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành 25 gói trái phiếu “khống” không có tài sản đảm bảo, mất khả năng thanh toán, có hơn 35.000 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua các gói trái phiếu này. Các cơ quan quản lý liên quan là Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).

CQĐT xác định 4 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đứng ra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan không phải công ty đại chúng nên không thuộc phạm vi quản lý, giám sát, thanh tra và chấp thuận cho phép phát hành trái phiếu của UBCK cùng HNX.

Pháp luật cũng không có quy định nào buộc 2 đơn vị này giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và sử dụng tiền đúng mục đích phát hành.

“Chưa có thông tin, tài liệu, chứng cứ thể hiện sự thông đồng, móc ngoặc, bảo kê hoặc biết sai phạm nhưng bỏ mặc cho 4 doanh nghiệp phát hành trái phiếu của UBCKNN và HNX" - bản kết luận điều tra vụ án nêu.

Ở hành vi rửa tiền, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chỉ đạo các đối tượng rút tiền mặt hoặc chuyển khoản lòng vòng để che giấu nguồn gốc tiền phạm tội đối với số tiền 445.747 tỷ đồng. Cùng với đó là hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đối với số tiền 4,5 tỷ USD, tương đương 106.730 tỷ đồng.

Điều tra về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), CQĐT xác định Cục Phòng chống rửa tiền Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo cáo về phòng chống rửa tiền và phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.

Thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền, từ năm 2012-2022, SCB đã báo cáo các giao dịch lớn, các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, các giao dịch đáng ngờ được thực hiện qua ngân hàng trong đó có các giao dịch vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trong vụ án này.

Trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về không nằm trong danh sách “đen”, là đối tượng bị điều tra truy tố xét xử, không nằm trong danh sách cảnh báo của NHNN và của các quốc gia khác…

Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định hơn 313.000 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Còn 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ mà SCB gửi lên, không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền đi, nhận tiền về nên Cục không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ.

CQĐT kết luận không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền, Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng, công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB làm trái quy định về chuyển tiền quốc tế.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội, xin dùng hết tài sản kê biên khắc phục hậu quả

Loạt thông tin tích cực dần hé lộ, nhóm cổ phiếu bất động sản Top đầu 'rục rịch' tăng giá

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Danh tính 21 doanh nghiệp giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển 4,5 tỷ USD qua biên giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-nhnn-ubcknn-va-hnx-vo-can-238556.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát: NHNN, UBCKNN và HNX vô can
    POWERED BY ONECMS & INTECH