'Vùng đất của những dòng sông' tại Nam Á tăng 1,3% GDP nhờ một cây cầu nắm giữ nhiều kỷ lục
Với sức bền có thể chịu được động đất mạnh tới 9 độ richter, cây cầu không chỉ được biết đến với kỹ thuật thi công khéo léo, công trình còn mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho đất nước Bangladesh.
Sau khi khánh thành vào tháng 6/2022, cây cầu Padma trở thành cây cầu dài nhất Bangladesh với độ dài hơn 6.5km với tổng vốn đầu tư hơn 3.6 tỷ USD (hơn 85 nghìn tỷ đồng). Cây cầu đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ thủ đô Dhaka với cảng Mongla (cảng biển lớn thứ hai tại Bangladesh), giúp hoạt động giao thương trở nên thuận tiện hơn.
Cụ thể, cầu Padma nối ít nhất 21 quận vùng phía Nam và Tây Nam Bangladesh kém phát triển, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển từ khu vực đến thủ đô Dhaka từ 8 giờ xe chạy xuống chỉ còn 10 phút. Không chỉ là cây cầu dài nhất Bangladesh, Padma còn là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hằng trong 5 quốc gia mà con sông chảy qua.
Tập đoàn Kỹ thuật đường sắt MBEC của Trung Quốc là nhà thầu phụ trách xây dựng công trình đặc biệt này, cùng với sự tham gia của 4.000 kỹ sư Bangladesh và Trung Quốc.
Công trình được xem là một “tuyệt tác” về kỹ thuật bởi Padma là con sông nguy hiểm với nhiều dòng chảy khó lường chỉ sau sông Amazon (Nam Mỹ). Do đó, nhà thầu Trung Quốc đã củng cố phần móng cầu với bán kính đạt kỷ lục tới 3 mét, nằm ở độ sâu 122m (tương đương độ cao của một tòa nhà 40 tầng). Những cọc thép khổng lồ này cho phép cây cầu chống lại hầu hết mọi tác động của thiên nhiên như dòng chảy và thiên tai. Trong quá trình thi công, Tập đoàn Kỹ thuật đường sắt MBEC đã phải sử dụng hệ thống định vị GPS để xác định hướng của dòng chảy, giúp quá trình đóng cọc trở nên dễ dàng hơn.
Cầu Padma cũng là công trình kỷ lục nắm giữ khả năng chịu lực lên đến 10.000 tấn. Ngoài ra, các kỹ sư của dự án còn cho biết cây cầu có thể chịu được trận động đất mạnh tới 9 độ richter. Điều này rất quan trọng bởi Bangladesh cũng là quốc gia phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các trận động đất mỗi năm.
Bên cạnh độ “khủng” của cơ sở hạ tầng, cầu Padma còn được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát camera hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm quản lý giao thông nâng cao, giúp quan sát mọi hoạt động của cây cầu tại phòng điều khiển từ xa.
Hệ thống trạm thu phí thông minh được lắp đặt giúp hỗ trợ hoạt động thu phí tự động thông qua khả năng nhận biết biển số, tốc độ của phương tiện giao thông di chuyển trên cầu. Điều này cũng giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào giờ cao điểm.
Số liệu từ Bộ Giao thông đường bộ và Cầu đường Bangladesh tính đến tháng 6/2023 cho thấy, tổng cộng hơn 5,6 triệu phương tiện đã di chuyển qua cầu Padma sau chỉ 1 năm khánh thành. Các nhà kinh tế nước này cũng dự báo công trình sẽ giúp chỉ số GDP của cả nước tăng 1,3% mỗi năm, là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.
>> Con đập độc lạ nhất thế giới thách thức mọi quy luật khiến nước chảy ngược 'lên trời'
Chủ tịch Hà Nội chốt thời gian khởi công 2 cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng
Sau tai nạn khiến hai người thiệt mạng, Huế sẽ xây mới cầu Bình Thành