Đặc biệt, sân trước chính điện còn đặt bộ bút, nghiên, mực giấy bằng đá xanh, được tổ chức kỷ lục xác nhận lớn nhất Việt Nam.
Từ đường nhà Mạc là quần thể các di tích khảo cổ và là công trình kiến trúc được xây mới, tọa lạc trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nơi đây vốn là phần đất của nhà Mạc và đồng thời cũng là khu vực trung tâm của kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Để ghi nhớ công ơn của các vị vua nhà Mạc cũng như bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của vương triều này, Nhà nước ta đã cho xây dựng và khôi phục công trình Từ đường nhà Mạc để mọi người có thể đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các vị Vua.
Công trình minh họa một vương triều
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại việt Thông sử, Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung, sinh năm 1483, mất năm 1541 là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.
Mạc Thái Tổ lên ngôi vào 6/1527. Năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng Dương Kinh tiểu kinh đô thứ hai của nhà Mạc đồng thời là đô thị ven biển đầu tiên của nước ta lúc bấy giờ.
Để ghi nhớ công ơn của các vị Vua nhà Mạc cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá, lịch sử Vương triều Mạc một thời, Nhà nước đã cho khởi công xây dựng, khôi phục công trình Từ đường họ Mạc trên chính mảnh đất tổ tiên của dòng tộc, trở thành nơi để mọi người đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các vị Vua nhà Mạc.
Từ con đường làng thuộc xã Ngũ Đoan đi vào 200m, vương triều Mạc được xây dựng hoành tráng trên một cánh đồng rộng lớn. Khu di tích gồm có nhà chính điện, nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long (1527 - 1592) gồm Thái tổ nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung, Thái tông Khâm triết văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh, Hiến tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải, Tuyên tông Anh Nghị Hoàng đế Mạc Phúc Nguyên và Mục tông Hồng minh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp.
Khu chính điện gồm tiền điện (7 gian), thiêu hương (ống muống), hậu cung (5 gian). Tiếp đến là cầu qua hồ bán nguyệt vào Ngũ tiền môn được xem là "cánh cửa" của vương triều Mạc. Ngũ tiền môn gồm có nghi môn ngoại và nghi môn nội với cấu trúc 4 trụ, 3 gian, 2 tầng, 4 mái tạo nên một không gian linh thiêng, trang trọng.
Quan tiền môn vào khu chính điện, du khách sẽ thấy những bức tượng voi, ngựa xếp hai bên sân, tượng trưng cho quan văn, quan võ đã được "hô thần nhập tượng". Nổi bật trong tượng đá là tấm bia khắc một phần nội dung bản Chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng (Đương kim Hoàng Đế triều Lê Sơ) hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung vào ngày 16/5/1527.
Sân trước chính điện đặt bộ bút, nghiên, mực giấy bằng đá xanh, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận lớn nhất Việt Nam ngày 5/2/2014.
Hai tòa nhà giải vũ thuộc khu tưởng niệm nằm song song đối diện với nhau, đây là nơi du khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, sắp lễ trước lúc vào dâng hương ở chính điện. Theo quan niệm phương Đông, nhà giải vũ còn là nơi che mưa, che nắng cho con người, ý nói đến sự che chở của dòng tộc họ Mạc đối với các thế hệ con cháu và du khách.
Huyền tích bảo vật quốc gia 500 năm tuổi
Khi ghé thăm khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại đây như chiếc bình với hình ảnh chùa Một Cột, chim hạc; chuông Đại Hồng Chung nặng 1.527kg; chiêng đồng khắc nổi 2 con rồng; đặc biệt là thanh Bảo Long đao (hay còn gọi là Định Nam đao) - được coi là “huyền tích quốc bảo 500 năm tuổi”. Đầu năm 2020, thanh Định Nam đao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia.
Thanh Bảo Long đao đã từng gắn với công lao sự nghiệp của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, gắn với sự hưng vong của Vương triều nhà Mạc sau hơn 400 năm lưu lạc. Với bao biến cố chứa đầy bí ẩn, nay đã trở về với cố hương, về chốn linh thiêng ngào ngạt hương trầm.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, thanh Long đao đã bị han rỉ và sứt mẻ song vẫn giữ được hình dáng khá nguyên vẹn với chiều dài 2,55m, nặng 25,6kg, bằng sắt rỗng, phần lưỡi dao dài 95cm, cán dao dài 1,6m.
Trước đây, thanh Long đao đã từng được dòng họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định cất giữ. Nhưng thể theo nguyện vọng của tiên tổ và các chi họ Mạc, thanh đao đã được rước về thôn Cổ Trai (nay là Ngũ Đoan, Kiến Thuỵ. Hải Phòng) và lưu giữ tại khu tưởng niệm đúng dịp kỷ niệm 469 năm ngày mất của Mạc Thái Tổ, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.