Điểm đặc biệt là hố xanh này được kết nối với đại dương bằng hệ thống đường hầm vô cùng phức tạp.
Hố sâu hơn 420 dưới mặt nước biển
Hố xanh Taam Ja', nằm ngoài khơi bán đảo Yucatan, Mexico, đã chính thức trở thành hố sụt dưới nước sâu nhất thế giới với độ sâu ít nhất 420m, vượt qua kỷ lục trước đó của Hố Rồng ở Biển Đông.
khám phá này được công bố bởi nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Juan Carlos Alcérreca-Huerta dẫn đầu, sau chuyến thám hiểm vào tháng 12/2023. Với thiết bị đo độ dẫn, nhiệt độ và độ sâu (CTD), họ đã xác định được cấu trúc hố sâu hơn 146m so với số liệu 274m đo ban đầu năm 2021
Hố xanh Taam Ja' là một ví dụ điển hình về cenote, hay còn gọi là hố sụt, hình thành do sự sụt lún của nền đá vôi. Nước biển sau đó tràn vào, tạo nên những hang động thẳng đứng chứa đầy nước với vẻ đẹp kỳ vĩ.
Điều đặc biệt khiến các nhà khoa học chú ý là hố Taam Ja' có thể kết nối với đại dương thông qua một mạng lưới hang động và đường hầm phức tạp. Bằng chứng cho thấy điều này là sự hiện diện của nhiều lớp nước khác nhau trong hố, với lớp nước sâu nhất có đặc điểm tương đồng với nước biển Caribbean.
Tuy nhiên, do hạn chế của thiết bị, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được độ sâu chính xác của hố Taam Ja'. Máy đo CTD chỉ hoạt động được ở độ sâu tối đa 500 mét, và trong quá trình đo, thiết bị đã bị va vào gờ đá và dừng hoạt động ở độ sâu 420 mét.
Với khám phá này, hố xanh Taam Ja' mở ra một thế giới bí ẩn ẩn sâu dưới lòng đại dương, hứa hẹn mang đến nhiều điều thú vị cho các nhà khoa học khám phá trong tương lai. Họ dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định độ sâu chính xác của hố, đồng thời tìm hiểu về hệ thống hang động và sự đa dạng sinh học phong phú có thể tồn tại bên trong.
Hé lộ hệ thống đường hầm bí ẩn
Theo bài báo đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science, ban đầu, độ sâu của hố được ước tính bằng máy đo tiếng vang. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp do độ nhạy cảm với sự biến động mạnh về mật độ nước trong môi trường này.
Điều thú vị là các nhà khoa học phát hiện ra rằng Taam Ja' có thể kết nối với đại dương qua hệ thống đường hầm phức tạp. Khám phá này dựa trên dữ liệu thu thập được trong đợt thám hiểm, cho thấy sự tương đồng về điều kiện nhiệt độ và độ mặn ở độ sâu hơn 400m của hố so với môi trường đại dương.
Thông thường, các cenote (hố tự nhiên) có điều kiện môi trường khác biệt với đại dương do sự cô lập. Tuy nhiên, trường hợp của Taam Ja' lại cho thấy sự kết nối bất ngờ này, mở ra hướng nghiên cứu mới về hệ sinh thái và vai trò của hố trong việc trao đổi nước giữa đại dương và các tầng nước ngầm.
Có chỗ dành cho sự sống?
Những hố xanh dưới nước thường nằm trên cao nguyên đá vôi, những vùng nông tiếp giáp với nhiều bờ biển, nhờ tác động của nước đã tạo ra các cấu trúc kỳ lạ này, giống như những vực sâu trên cạn. Hầu hết các hố xanh được hình thành trong kỷ băng hà cuối cùng, trong khi những cao nguyên đá vôi này vẫn đang hình thành.
Nước từ mưa và tuyết tan dần bào mòn đá vôi, tạo ra mạng lưới hang động và thung lũng phức tạp. Sau khi băng tan, mực nước biển dâng cao, nhấn chìm những cấu trúc này, biến chúng thành những hố xanh sâu thẳm dưới lòng đại dương.
Môi trường bên trong hố xanh mang một vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn. Do bị che chắn khỏi tác động của sóng và sự pha trộn của các tầng nước khác nhau, hố xanh sở hữu thành phần hóa học nước biển riêng biệt. Thiếu ánh sáng mặt trời, các sinh vật quang hợp không thể tồn tại ở đây. Khi ta càng đi sâu xuống hố, nhiệt độ giảm dần, độ mặn tăng cao và nồng độ oxy giảm mạnh.
Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt này không ngăn cản sự sống phát triển. Trong lòng của hố xanh là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn thích nghi với môi trường độc đáo này. Nhờ khả năng thích nghi phi thường, chúng trở thành chủ đề nghiên cứu quan trọng cho các nhà khoa học.
Hố xanh không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị khoa học. Việc nghiên cứu hệ sinh thái độc đáo trong hố xanh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển của sự sống trong điều kiện khắc nghiệt. Từ đó, các nhà khoa học có thể tìm kiếm cơ sở để nghiên cứu sự sống tiềm ẩn trên các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.