Vượt qua giông bão, chuyên gia dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 20 điểm vào cuối năm
Theo chuyên gia, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Chứng khoán MBS vừa phát hành báo cáo Kinh tế vĩ mô cho biết, vượt qua giông bão, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Lãi suất liên ngân hàng dần hạ nhiệt
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang tiếp tục tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong tháng 9, nhằm hạ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO) đã được cắt giảm lần thứ 2 trong năm nay với mức giảm 25 điểm cơ bản xuống mức 4%.
Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền ròng NHNN bơm vào hệ thống ước khoảng 128,2 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất 4-4,25%, kỳ hạn 7 ngày, trong đó bao gồm 22 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng (Nguồn: MBS) |
Lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: MBS) |
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chủ động dừng phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 8. Ngoài ra, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, Kho bạc Nhà nước đã phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 350 triệu USD trong tháng này. Theo đó, động thái này sẽ giúp tăng thanh khoản hệ thống thêm khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất qua đêm từ mức 4,3% vào hồi đầu tháng đã giảm mạnh về mức 3% - mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây và đột ngột tăng vọt lên mức 4,3% trong tuần cuối cùng của tháng.
Sự bật tăng này được cho là do áp lực thanh khoản gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang phục hồi ổn định. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng tăng 9% so với cuối năm 2023. Đến cuối tháng 9, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần tới 1 tháng hiện dao động từ 4,1-4,2%.
Đà tăng của lãi suất huy động chững lại
Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1-0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng.
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (Nguồn: MBS) |
Tuy nhiên, việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,8% so với cuối năm 2023). Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Đến cuối tháng 9, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm lên mức 5%, trong khi lãi suất của nhóm NHTM CP quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.
Dự báo lãi suất huy động tăng nhẹ 20 điểm vào cuối năm 2024
Chứng khoán MBS cho rằng, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng đã tăng 9%, cao hơn so với mức 6,92% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Fed hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản,
dao động quanh mức 5,1-5,2% vào cuối năm 2024.
>> Hạ lãi suất ‘chìa khóa’ mua nhà hay chỉ ‘liều thuốc giảm đau’ khi giá nhà vẫn cao?
Hạ lãi suất ‘chìa khóa’ mua nhà hay chỉ ‘liều thuốc giảm đau’ khi giá nhà vẫn cao?
NHNN hút ròng mạnh hơn 10.000 tỷ, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu